Thẩm phán liên bang James Robart của bang Washington chưa ra văn bản chính thức mà chỉ ra lệnh miệng cho hạn chế sắc lệnh của ông Trump.
Ngày 27-1, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh đình chỉ nhập cư từ bảy nước có phần đông dân số theo đạo Hồi trong vòng 90 ngày, đình chỉ chương trình tị nạn Mỹ trong 120 ngày và cấm người Syria tị nạn vào nước Mỹ vô thời hạn.
Sắc lệnh này đã vấp phải sự phản đối của nhiều người, trong đó bang Washington và Minnesota đã phát đơn kiện, cho rằng sắc lệnh thể hiện sự phân biệt đối xử với người Hồi giáo và gây ra nhiều thiệt hại vô lý.
Người dân Mỹ xuống đường biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: REUTERS
Luật sư Bob Ferguson của bang Washington đã thể hiện sự ủng hộ với quyết định của thẩm phán, khẳng định: “Nước ta là đất nước pháp quyền, cả tổng thống cũng không thể vi phạm Hiến pháp. Thẩm phán Robart đã đúng khi tuyên bố sắc lệnh này đi ngược lại Hiến pháp”. Luật sư Ferguson cho biết ông sẵn sàng kiện lên tới Tòa án Tối cao nếu cần thiết.
Người phát ngôn của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ cho biết Cục sẽ xem xét và tuân theo tất cả mệnh lệnh của tòa án. Chính quyền của ông Trump đã tuyên bố sẽ yêu cầu Bộ Tư pháp cử luật sư đưa ra một yêu cầu khẩn vô hiệu hóa quyết định của tòa.
Theo công tố viên liên bang Washington Noah Purcell, bang này “chỉ phản đối những phần lập tức ảnh hưởng tới mọi người, cụ thể là những phần về người tị nạn và nhắm vào bảy quốc gia Hồi giáo… những phần thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người, gây thiệt hại trực tiếp tới con người”.
Lãnh tụ phe thiểu số của Thượng viện, ông Chuck Schumer, hoan nghênh sắc lệnh hạn chế của ông Robart. “Quyết định này là một chiến thắng cho Hiến pháp và cho tất cả chúng ta, những người tin rằng sắc lệnh không-hề-Mỹ này sẽ không giúp chúng ta được an toàn hơn” - ông Schumer nói. “Tổng thống Trump nên lưu ý đến quyết định này, ông ấy phải rút lui và bãi bỏ sắc lệnh đó một lần và mãi mãi”.