Gửi đơn đến Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Bình (ngụ huyện Đức Hòa, Long An) trình bày về một vụ việc khá éo le: Bà thắng kiện nhưng vẫn bị... mất nhà.
Ban đầu thua kiện
Theo hồ sơ, năm 2008, cha của bà Bình bị ông Lâm Văn Hòa khởi kiện ra TAND huyện Đức Hòa yêu cầu dỡ nhà và trả lại lô đất diện tích 75 m2. Trong đơn kiện, ông Hòa trình bày vào năm 1982, ông mua của ông NVT một mảnh đất rộng 7.000 m2, đến năm 1977 thì được cấp giấy đỏ. Do không có nhu cầu sử dụng nên từ năm 2000, ông có cho cha của bà Bình mượn 75 m2 (nằm trong mảnh đất 7.000 m2 nói trên) để sử dụng, nay ông yêu cầu cha của bà Bình trả lại.
Làm việc với tòa, cha của bà Bình trình bày đây là lô đất mà ông được ông NVT cho từ năm 1970, đến năm 1999 thì gia đình ông cất nhà ở. Việc cho tặng đất giữa ông NVT với ông có lập giấy tay nên ông không đồng ý giao đất cho ông Hòa.
Do ông NVT đã mất nên các con của ông đến tòa làm chứng, xác nhận có biết sự việc cha của họ cho cha của bà Bình lô đất như trên.
Tháng 4-2009, TAND huyện Đức Hòa xử sơ thẩm nhận định: Giấy tay “chứng nhận cho đất” mà cha của bà Bình xuất trình có nội dung xác nhận lại việc cho đất chứ không phải là giấy được lập khi cho đất. Giấy này ghi ngày 20-3-1979. Trong khi đó, tại phiên xử, đại diện cha của bà Bình khẳng định ông NVT cho đất “vào năm 1979 hay 1980 gì đó”, còn các con của ông NVT thì khai ông NVT cho đất năm 1980. Theo tòa, lời trình bày của các con ông NVT không phù hợp với chứng cứ nên không thể làm căn cứ bảo vệ cho cha của bà Bình.
Mặt khác, tòa lập luận: Nếu ông NVT cho cha của bà Bình lô đất tranh chấp trước khi ông NVT chuyển nhượng đất cho ông Hòa thì trong giấy chuyển nhượng đất ông NVT phải đề cập đến lô đất đã cho. Tuy nhiên, giấy chuyển nhượng đất không trừ ra lô đất đã cho, trong khi ngoài mảnh đất đã chuyển nhượng cho ông Hòa thì ông NVT không còn mảnh đất nào khác. Cạnh đó, khi ông Hòa được cấp giấy đỏ, cha của bà Bình không có ý kiến gì, cũng không đi đăng ký quyền sử dụng đất...
Từ đó, tòa quyết định chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Hòa, đồng thời buộc cha của bà Bình phải trả lại cho ông Hòa 2,7 triệu đồng tiền đo vẽ, định giá tài sản tranh chấp và nộp gần 300.000 đồng tiền án phí. Cha của bà Bình kháng cáo nhưng tháng 6-2009, TAND tỉnh Long An xử phúc thẩm đã giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bà Nguyễn Thị Bình và người thân trên lô đất tranh chấp, nơi từng có căn nhà của gia đình bà. Ảnh: LT
Về sau thắng kiện thì chỉ còn đất
Sau khi ông Hòa yêu cầu thi hành án (THA), tháng 9-2010, Chi cục THA dân sự huyện Đức Hòa đã cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ căn nhà của gia đình bà Bình trên lô đất tranh chấp và bàn giao đất cho ông Hòa.
Hai tháng sau, chánh án TAND Tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu Tòa Dân sự TAND Tối cao hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm. Văn bản kháng nghị nêu: Tờ chuyển nhượng đất giữa ông NVT và ông Hòa dù có ghi nhận việc chuyển nhượng đất nhưng không ghi rõ tứ cận, diện tích cụ thể nên chưa có căn cứ xác định trong diện tích mà ông Hòa nhận chuyển nhượng từ ông NVT có lô đất mà cha của bà Bình đang sử dụng hay không. Hơn nữa, lô đất này cha của bà Bình đã sử dụng từ năm 1970, năm 1999 gia đình có cất nhà nhưng ông Hòa không có ý kiến phản đối. Vì vậy, việc hai cấp tòa sơ, phúc thẩm buộc cha của bà Bình dời nhà là không có cơ sở.
Ngoài ra, văn bản kháng nghị cho rằng cần phải thu thập chứng cứ về quá trình kê khai, đăng ký đối với phần đất tranh chấp; làm rõ trình tự, thủ tục cấp giấy đỏ cho ông Hòa có đúng không; cha của bà Bình có biết việc ông Hòa được cấp giấy đỏ hay không, có ý kiến gì không...
Cùng với việc kháng nghị, chánh án TAND Tối cao cũng có quyết định hoãn THA để chờ kết quả giám đốc thẩm. Tuy nhiên, như đã nói, đến lúc này thì trên thực tế việc THA theo bản án phúc thẩm (bị đề nghị hủy) đã xong.
Tháng 6-2011, Tòa Dân sự TAND Tối cao đã họp giám đốc thẩm, hủy toàn bộ hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu. Sau khi hồ sơ được chuyển về cho TAND huyện Đức Hòa thụ lý lại, ông Hòa rút đơn khởi kiện nên tòa này đình chỉ giải quyết vụ án.
Cha của bà Bình khiếu nại việc cấp giấy đỏ cho ông Hòa đến UBND huyện Đức Hòa. Ủy ban huyện chấp nhận khiếu nại và ra quyết định thu hồi giấy đỏ của ông Hòa. Sau đó, cha của bà Bình qua đời. Bà Bình đứng ra khởi kiện yêu cầu ông Hòa tháo dỡ hàng rào, trả lại lô đất tranh chấp cho bà. Ngoài ra, bà yêu cầu ông Hòa phải trả lại tiền định giá 2,7 triệu đồng, yêu cầu Chi cục THA dân sự huyện Đức Hòa trả lại tiền án phí gần 300.000 đồng.
Tháng 4-2016, TAND huyện Đức Hòa xử sơ thẩm đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà Bình. Ông Hòa kháng cáo nhưng tháng 12-2016, TAND tỉnh Long An xử phúc thẩm đã giữ nguyên bản án sơ thẩm này.
Tòa nhận đơn yêu cầu bồi thường Dù thắng kiện nhưng bà Bình vẫn rất bức xúc. Bởi lẽ với lô đất tranh chấp mà ông Hòa đang quản lý, bà có thể yêu cầu cơ quan THA dân sự cưỡng chế buộc ông Hòa giao lại cho bà theo bản án phúc thẩm sau cùng. Tuy nhiên, với thiệt hại do căn nhà của gia đình bà bị tháo dỡ thì bà phải níu áo ai, cơ quan nào để đòi bồi thường? Níu áo ông Hòa không được vì hai cấp tòa sơ, phúc thẩm trong vụ ông Hòa kiện cha của bà mới là những nơi ra phán quyết buộc dỡ nhà, trả đất. Níu áo cơ quan THA dân sự không được vì họ chỉ làm đúng theo phán quyết đã có hiệu lực pháp luật của tòa án và thời điểm họ tổ chức THA thì không thuộc trường hợp hoãn THA, tạm đình chỉ THA hay đình chỉ THA. Níu áo người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm cũng không được vì luật cho họ có thời hạn tới ba năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật để xem xét kháng nghị hay không... Được biết mới đây bà Bình đã nộp đơn yêu cầu TAND tỉnh Long An bồi thường 150 triệu đồng và tòa đã nhận đơn của bà. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới. |