Thanh tra Chính phủ: Bộ Y tế chậm xử lý thủ tục hành chính nhưng không xin lỗi người dân, doanh nghiệp

(PLO)- Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, báo cáo kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Y tế phản ánh không đúng thực trạng, thiếu chính xác.

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ Y tế, giai đoạn từ 15-6-2021 đến 30-11-2023.

Xử lý chậm, không đúng nhiều thủ tục hành chính

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, về trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, Bộ Y tế chậm hoàn thành Phương án đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế dự phòng và dược phẩm đã được Bộ phê duyệt trước đó.

Cụ thể, tỉ lệ thực hiện phương án được Bộ phê duyệt năm 2021 là 18,2% (4/22 thủ tục hành chính), năm 2022 là 54,2% (13/24 thủ tục hành chính).

Bộ Y tế thực thi đối với 10 thủ tục hành chính không đúng với phương án được phê duyệt, chưa thực thi 10 thủ tục hành chính đúng thời hạn.

Trụ sở Bộ Y tế tại Hà Nội.

Năm 2022 và 2023, Bộ Y tế không ban hành Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế theo quy định và không trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án trên.

Tỉ lệ thực thi Phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó chỉ đạt 39,52%. Bộ Y tế chậm thực thi đối với các thủ tục hành chính, yêu cầu, điều kiện so với phương án được phê duyệt.

Về thực thi phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, tỉ lệ thực hiện còn thấp (19/69 thủ tục hành chính).

Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành 1 nghị định, ban hành theo thẩm quyền 2 thông tư để thực thi phân cấp đối với 24 thủ tục hành chính. Tuy nhiên, có 5 thủ tục hành chính được phân cấp không đúng theo quy định của Thủ tướng.

Trong thời kỳ thanh tra, Bộ Y tế đã ban hành 15 thông tư có quy định thủ tục hành chính. Kết quả thanh tra một số dự thảo thông tư nhận thấy đơn vị chủ trì soạn thảo không thực hiện đánh giá thủ tục hành chính đối với 5 dự thảo thông tư theo đúng quy định, không lấy ý kiến của văn phòng Bộ đối với 7 dự thảo thông tư.

Vụ Pháp chế - Bộ Y tế thẩm định 5 dự thảo thông tư có quy định thủ tục hành chính khi chưa có bản đánh giá tác động của đơn vị soạn thảo, thẩm định 7 dự thảo thông tư khi chưa có ý kiến góp ý của văn phòng Bộ, thẩm định không đầy đủ nội dung đối với 14 dự thảo thông tư.

Ngoài ra, Bộ Y tế ban hành 1 thông tư có quy định thủ tục hành chính không được Luật, Nghị quyết của Quốc hội giao; ban hành 12 quyết định công bố thủ tục hành chính có hiệu lực thi hành không đúng theo mẫu quy định.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong thời kỳ thanh tra, tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính mà Bộ Y tế tiếp nhận là 278.147 hồ sơ.

Trong đó, số hồ sơ đã giải quyết là 239.115; đang giải quyết đến thời điểm ngày 30-11-2023 là 38.910 hồ sơ.

Báo cáo của Bộ Y tế thiếu chính xác

Bộ phận một cửa của Bộ Y tế chính thức vận hành từ tháng 5-2022. Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, bộ phận này chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được quy định.

Người đứng đầu bộ phận một cửa không làm việc định kỳ 3 tháng với đơn vị có thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết tại bộ phận này. Chưa thực hiện quy định về tiến độ xử lý công việc được giao của công chức, viên chức được cử đến làm việc tại đây.

Hầu hết trường hợp hồ sơ quá hạn giải quyết thủ tục hành chính không thực hiện xin lỗi người dân, doanh nghiệp theo quy định.

Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, báo cáo kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Y tế gửi Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ phản ánh không đúng thực trạng, thiếu chính xác, không đảm bảo nguyên tắc theo quy định.

Cụ thể, các báo cáo cải cách hành chính, báo cáo kết quả triển khai công tác kiểm soát thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử của Bộ Y tế nêu rằng tỉ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn giai đoạn 2021-2023 là 4,97%.

Tuy nhiên, kết quả rà soát báo cáo của Bộ Y tế theo đề cương của đoàn thanh tra, tỉ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính quá hạn trong giai đoạn 15-6-2021 đến 31-12-2023 là 69,8%.

Trong đó, các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực dược, y dược cổ truyền, trang thiết bị y tế… có tỉ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn rất cao.

Theo Thanh tra Chính phủ, các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực dược có tỉ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn rất cao. (Ảnh minh hoạ: THẢO PHƯƠNG)

Bên cạnh đó, việc ứng dụng phần mềm của hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ chưa hoàn thiện. Nhiều dịch vụ công trực tuyến chưa hoàn thành kết nối đầy đủ với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Y tế, chưa đồng bộ đủ thông tin, dữ liệu dẫn đến việc theo dõi, tiếp nhận, chuyển hồ sơ, trả kết quả chưa đầy đủ.

Việc kiểm tra, đôn đốc, xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp tại Bộ Y tế còn hạn chế, chưa chỉ rõ tồn tại, thiếu sót, bất cập, vi phạm, dẫn đến không được phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới