Thấy gì từ động thái mới của chuỗi cà phê The Coffee House, Starbucks?

(PLO)- Kinh doanh cà phê được cho là một mảng "dễ vào" nhưng cũng "dễ ra", đòi hỏi người kinh doanh phải linh hoạt và nắm bắt thời cơ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối tháng 7-2024 vừa qua, ông Ngô Nguyên Kha, Tổng giám đốc chuỗi cà phê The Coffee House thừa nhận, chuỗi này đang rút lui khỏi nhiều tỉnh thành như Cần Thơ, Đà Nẵng. Một số khu vực khác tại TP.HCM, Hà Nội, Huế… cũng chứng kiến nhiều chi nhánh đóng cửa, trả mặt bằng.

kinh doanh cà phê
Một cửa hàng kinh doanh cà phê The Coffee House tại Gò Vấp (TP.HCM) đóng cửa. ẢNH: THU HÀ

Ông Kha cho rằng, với bối cảnh kinh tế hiện tại, việc tối ưu chi phí để cải thiện hiệu quả hoạt động trở thành công việc ưu tiên và thường xuyên.

“Quyết định này nhằm thích ứng với điều kiện thay đổi, giúp đảm bảo hiệu quả kinh doanh toàn hệ thống”- ông Kha nói với PLO.

Không chỉ The Coffee House, mới đây Starbucks Việt Nam bất ngờ thông báo sẽ đóng cửa Starbucks Reserve Hàn Thuyên (quận 1, TPHCM) - cửa hàng cà phê cao cấp đầu tiên và duy nhất của Starbucks ở TPHCM vào ngày 26 tới đây. Lý do đóng cửa không được đơn vị này tiết lộ nhưng Starbucks đã hứa hẹn sẽ sớm trở lại ở một vị trí khác.

Phân chia lại thị trường cà phê

Với những diễn biến mới trên, nhiều người tiêu dùng cho rằng, thị trường cà phê, nhất là mô hình chuỗi đang cạnh tranh khốc liệt.

Trên thực tế, báo cáo kinh doanh doanh quý I-2024 của thương hiệu Starbucks cho thấy kết quả không mấy lạc quan, kể cả ở Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc.

Đặc biệt, doanh số bán hàng giảm tới 4%, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ năm 2020 khi đại dịch buộc nhiều cửa hàng phải đóng cửa. Ở một số thị trường khác như Mỹ, Trung Quốc doanh thu của đơn vị này cũng ghi nhận giảm.

Giám đốc điều hành của Starbucks, ông Laxman Narasimhan đã từng phát biểu rằng: “Chúng tôi tiếp tục phải đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ và nhu cầu tiêu dùng thận trọng của khách hàng.

Việc mở rộng cửa hàng và cuộc chiến về giá cả thực sự rất khó khăn, đánh đổi bằng sự cạnh tranh và lợi nhuận, điều này cũng gây ra ảnh hưởng lớn cho hoạt động kinh doanh".

Ông Nguyễn Việt Anh, Nhà sáng lập và quản lý thương hiệu Gemini Coffee, sau nhiều năm trong nghề phải thốt lên rằng: Mở cà phê một cửa hàng đã khó, khi lên thành chuỗi càng khó hơn gấp bội. Điều này đã trái ngược với suy nghĩ của nhiều người là "nếu có tiền mà không biết làm gì thì mở quán cà phê".

Thực tế, cà phê vốn là thị trường dễ vào nhưng cũng dễ ra. Những bài toán về thị trường, vận hành, quản lý dòng tiền là thách thức lớn đối với các đơn vị doanh nghiệp khi bước chân vào thị trường cà phê.

Theo vị này, trước đây cà phê là thức uống có giá vốn thấp, tuy nhiên giá nguyên liệu hiện nay đã tăng cao cũng đẩy giá bán lẻ trên mỗi ly cà phê tăng. Điều này đỏi hỏi chủ quán, nhất là kinh doanh dạng chuỗi phải kiểm soát tốt chi phí.

Dưới góc độ quan sát thị trường, chuyên gia Đỗ Duy Thanh, Giám đốc công ty tư vấn FnB Director và Vietfranchise, thừa nhận thị trường cà phê gần đây tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ tình hình kinh tế vĩ mô.

Từ đầu năm nay, nhiều thương hiệu từ kinh doanh nhỏ lẻ tới chuỗi đang thu hẹp thị phần, nhưng cũng có nhiều cái tên nổi lên. Điều này cho thấy trong khó khăn vẫn có người tìm ra thời cơ phát triển.

Xét trên thực tế những cái tên đình đám như: Phúc Long, Highland, Trung Nguyên, hay những tân binh Katinat, Phê La... vẫn thể hiện sức nóng khi liên tiếp săn lùng vị trí mới, đắc địa.

Dữ liệu nghiên cứu thị trường của Vietdata cũng cho biết, đối với thị trường caffe shop (cửa hàng cà phê) “cả làng” báo lãi duy chỉ có The Coffee House và chuỗi cà phê Ông Bầu báo lỗ.

"Rõ ràng thị trường chuỗi cà phê tại Việt Nam dù nhiều thách thức song vẫn duy trì tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Sự tăng trưởng này phần lớn nhờ vào thói quen tiêu dùng ngày càng phổ biến của giới trẻ và sự ổn định trong nhu cầu đối với các loại đồ uống không cồn, đặc biệt là cà phê và trà”, ông Thanh nói.

Thời của cà phê: Đẹp đấu ngon

Cũng theo ông Thanh, hiện nay thị trường cà phê đang phân thành hai xu hướng rõ rệt. Thứ nhất, các chuỗi cà phê chuyên nghiệp đang tập trung mở rộng các cửa hàng trải nghiệm (flagship stores) nhằm củng cố thị phần và tạo dấu ấn thương hiệu.

Thứ hai, mô hình các cửa hàng nhỏ dạng kiosk với chỗ ngồi hạn chế, tập trung vào dịch vụ mang đi và giao hàng tận nơi, đang phát triển nhanh chóng nhờ chiến lược nhượng quyền.

Ông Thanh cho rằng sự phân hóa này phản ánh rõ nét sự đa dạng trong nhu cầu và hành vi tiêu dùng của khách hàng, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp linh hoạt và sáng tạo.

Trong đó mô hình thứ nhất đang thu hút lượng lớn sự quan tâm từ giới trẻ. Đây cũng là nhóm khách hàng được cho tiềm năng đối với nhu cầu cà phê hiện nay.

Dẫu vậy, với các mô hình cửa hàng trải nghiệm, một thách thức lớn khiến các nhà kinh doanh phải đối mặt là chi phí mặt bằng tại các vị trí đắc địa. Nhiều vị trí có giá thuê lên tới 20.000 đến 35.000 USD mỗi tháng, nhưng diện tích lại khá giới hạn, khiến hầu hết các mô hình đồ uống chuyên nghiệp không thể đạt lợi nhuận mong muốn.

“Điều này buộc nhiều chuỗi phải rút lui hoặc điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Dù vậy, với chiến lược điều chỉnh kịp thời và quản lý hiệu quả, thị trường chuỗi cà phê vẫn có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng bền vững trong tương lai”- ông Thanh nhận định.

Một thách thức khác của thời cà phê "đẹp đấu ngon" là việc khách hàng ngồi lâu trong quán sau khi gọi một ly cà phê.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, thay vì coi đây là một khó khăn, các doanh nghiệp nên xem đó là cơ hội để khai thác hiệu quả kinh doanh. Thực tế, đây là một tập khách hàng đặc biệt, thường có mức chi tiêu cao.

Việc giới thiệu các sản phẩm bổ sung như món ăn nhẹ, bánh ngọt, hoặc nước suối có thể giúp tăng doanh thu từ khách hàng ngồi lâu. Các gói ưu đãi như giảm giá 20-30% cho các đơn hàng gọi thêm món sau khi đã ngồi trong quán 2 giờ cũng là một cách khuyến khích khách hàng tiêu dùng thêm mà không làm mất đi giá trị của không gian quán.

Do đó, ông Thanh gợi ý, các quán hoặc chuỗi cà phê có thể tính toán tối ưu hóa doanh thu trên mỗi mét vuông diện tích bằng cách bố trí thiết kế không gian thông minh, đa năng.

Cùng với đó, đẩy mạnh dịch vụ mang đi và giao hàng tận nơi. Điều này không chỉ giúp giảm tải áp lực cho không gian quán mà còn mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, từ đó tăng doanh thu mà không phụ thuộc quá nhiều vào không gian vật lý.

Biến dòng tiền của khách tạo ra cơ hội thị trường

Nhìn về tương lai, ông Đỗ Duy Thanh cho rằng, dòng tiền của khách hàng cho thị trường ẩm thực, nhất là trà- cà phê vẫn được duy trì. Dù vậy, thị trường cà phê đã qua giai đoạn tăng nóng.

Ông Vũ Thanh Hùng, Tổng giám đốc của iPos.vn- đơn vị cung ứng giải pháp toàn diện cho ngành F&B, đánh giá, một con số được đưa ra trong báo cáo ngành ẩm thực tại Việt Nam cho thấy có ít nhất 30.000 cửa hàng, cà phê đã đóng cửa chỉ trong nửa năm đầu 2024. Đây thực tế là cuộc đại thanh lọc.

"Đối với cà phê, ở giai đoạn hiện tại thị trường sẽ dành chỗ cho đơn vị biết tạo ra điểm nhấn, điểm đặc sắc của thương hiệu.

Rõ ràng bản chất của ngành dịch vụ đồ uống không cồn là thiết yếu, do đó sự cạnh tranh chủ yếu diễn ra nội bộ ngành với sự thay đổi chính đến từ hành vi tiêu dùng của khách hàng"- chuyên gia Đỗ Duy Thanh nói.

Chị Vũ Thanh Phương, quản lý quán cà phê mô hình nhà vườn tại Gò Vấp thừa nhận, hiện tại doanh thu vẫn tăng trưởng 20% mỗi năm, tuy nhiên quán phải liên tục thay đổi cách bài trí để tạo ra sự đổi mới đối với người dùng.

"Với phân khúc là cà phê nhà vườn, đòi hỏi chúng tôi phải tính toán được không gian thoáng đãng mà vẫn tối ưu hóa được số bàn, cũng như mở rộng menu nhắm tới đối tượng trẻ em như kem, đồ ăn nhanh, các dịch vụ tô tượng... Cuộc chiến kinh doanh này vốn vẫn khắt khe"- chị Thanh nói.

Tần suất đi cà phê giảm

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực 6 tháng đầu năm do iPos.vn phát hành, cho biết, tần suất và mức chi trả cho việc đi cà phê của người tiêu dùng đang giảm mạnh so với cùng kỳ 2023.

Mặc dù mức giá từ 41.000 đến 70.000 đồng/ly trở nên phổ biến hơn, với sự tăng trưởng 11,5% về tỉ lệ người lựa chọn, nhưng các phân khúc cao cấp lại gặp khó khăn. Tỉ lệ người chi tiêu trên 100.000 đồng/ly đã giảm mạnh từ 6% xuống còn 1,7%.

Mức sẵn sàng chi tiêu giảm mạnh mẽ đã báo động tới các thương hiệu ở phân khúc cao cấp như Starbucks Coffee, %Arabica hay The Coffee Bean & Tea Leaf…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm