Thêm hàng trăm ngàn người mới chơi chứng khoán

Nhiều kỷ lục vừa được xác lập trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong những phiên giao dịch gần đây.

Trong tuần 22-26/11/2021, VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 1.500 điểm, mốc đỉnh lịch sử của chỉ sổ. Mặc dù đã giảm xuống dưới mốc này vào phiên cuối tuần, thị trường vẫn được nhận định tích cực trong khi chứng khoán toàn cầu chứng kiến sự sụt giảm mạnh với sự lo ngại về biến chủng Covid-19 mới tăng lên. 

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Việt Nam (VSD) vừa công bố, chỉ trong tháng 10/2021 đã có hơn 129.500 tài khoản chứng khoán do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới, tăng gần 13% so với tháng trước đây.

Con số này chỉ đứng sau kỷ lục lập vào tháng 6 vừa qua với hơn 140.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong một tháng. Như vậy, thị trường chứng khoán đã chứng kiến 8 tháng liên tiếp số lượng tài khoản mở mới đều nằm trên mốc 100.000.

Lũy kế trong vòng 10 tháng đầu năm 2021, đã có gần 1,09 triệu tài khoản do nhà đầu tư cá nhân mở mới, tăng gấp gần 3 lần số tài khoản mở mới của cả năm trước. Thậm chí co số này còn cao hơn tổng số tài khoản đã được các nhà đầu cá nhân mở trong cả 4 năm 2017 - 2020 cộng lại (1,03 triệu tài khoản).

Hiện số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài cũng tăng vọt lên hơn 370 tài khoản, cao nhất kể từ tháng 5 trở lại đây.

Tính đến cuối tháng 10/2021, trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hơn 3,86 triệu tài khoản được mở, trong đó có gần 99% tài khoản do nhà đầu tư trong nước nắm giữ (gần 3,83 triệu tài khoản), khoảng 1% còn lại là do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ (hơn 38.700 tài khoản).

Về quy mô, tính đến cuối tháng 10/2021, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.462.000 tỉ đồng, tăng 41% so với cuối năm 2020, tương đương 118,6% GDP.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, thanh khoản của thị trường tăng mạnh lên mức cao kỷ lục trên 1 tỉ USD mỗi phiên. So với thời điểm VN-Index vượt đỉnh 1.200 và 1.400 điểm, sự khác nhau lớn nhất ở thời điểm này chính là ở dòng tiền đổ mạnh vào thị trường.

Tuy nhiên, trong tháng 10, khối ngoại bán ròng gần 253 triệu USD (khoảng 5.250 tỉ đồng). Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng gần 2,2 tỉ USD, gấp 2,5 lần so với mức bán ròng trong năm 2020.

Song cá nhân và tổ chức trong nước mua ròng, cân bằng lại lượng bán ròng của khối ngoại. Nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng gần 2.300 tỉ đồng trong tháng 10, lũy kế mua ròng gần 69.000 tỉ đồng từ đầu năm.

Áp lực bán ròng từ dòng vốn ngoại không có tác động nhiều đến xu hướng chung, khi mà tỷ trọng giao dịch chỉ còn chiếm khoảng 6-7% tổng thanh khoản toàn thị trường.

Thực tế, ghi nhận trên HOSE cho thấy, tỷ trọng này chỉ chiếm còn 4-5%. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò là lực đẩy chính giúp thị trường tăng trưởng lên với tỷ trọng chiếm tới 84%. Nhưng động thái mua bán của khối ngoại vẫn được xem là chỉ báo thông minh trước mỗi quyết định mua bán của nhà đầu tư trong nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm