Thêm nhiều phương thức “săn” thí sinh giỏi vào đại học

Theo đề án tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa công bố, năm nay trường này sẽ xét tuyển 5.000 chỉ tiêu trình độ đại học chính quy cho 35 ngành đào tạo chương trình trong nước và liên kết quốc tế.

Trong đó, đáng chú ý nhất đây là năm đầu tiên trường bổ sung thêm phương thức mới là hình thức phỏng vấn trực tiếp để xét tuyển thí sinh (TS).

Thử nghiệm phỏng vấn

Mặc dù chỉ tiêu cho phương thức phỏng vấn này chỉ 1%-5% tổng chỉ tiêu của trường, tức tối đa khoảng 250 TS nhưng điểm mới này đã gây nhiều chú ý, thắc mắc cho phụ huynh, TS.

Lý giải về phương thức mới này, PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo của trường, cho biết năm nay trường thử nghiệm phương thức xét tuyển thông qua phỏng vấn nhằm gia tăng cơ hội cho TS và mở rộng các phương thức xét tuyển để đáp ứng tính đa dạng của năng lực người học.

Theo đó, phương thức này sẽ áp dụng cho tuyển sinh chương trình chất lượng cao (học bằng tiếng Anh) đối với các TS chuyển tiếp nước ngoài. Đây là chương trình đòi hỏi nhiều điều kiện ở người học như khả năng ngoại ngữ, học phí cao…

Hơn nữa, trường rất xem trọng hình ảnh của nhà trường khi chuyển tiếp sinh viên ra nước ngoài và có nhu cầu gia tăng kết nối chặt chẽ với các trường hàng đầu thế giới để tăng cường hội nhập quốc tế.

Do đó, theo PGS-TS Thắng, mục đích của phỏng vấn là để xác định rõ năng lực học ngành mà TS dự tuyển, lộ trình và kế hoạch chuyển tiếp nước ngoài, tính chín chắn và khả năng chuyển tiếp, năng lực tài chính... Bởi lâu nay, ở những chương trình học này, trường vẫn xét hồ sơ như truyền thống như kết quả học tập, điểm thi, năng lực tiếng Anh… và chỉ kèm thêm tư vấn để hỗ trợ thông tin cho TS.

Để triển khai phương thức này, PGS-TS Thắng cho biết trường sẽ lập một hội đồng chuyên môn để tổ chức phỏng vấn và quá trình phỏng vấn này có thể diễn ra bằng tiếng Anh. Hội đồng này cũng sẽ trực tiếp quyết định TS nào trúng tuyển.

Về nội dung phỏng vấn, ông Thắng cho hay các câu hỏi tập trung về hiểu biết của TS về ngành nghề xét tuyển, năng lực tài chính, khả năng theo đuổi ngành học, khả năng tiếng Anh …

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2021 tại các trường đại học ở TP.HCM. Ảnh: NTCC

Xử lý mạnh tay với tuyển sinh sai quy định

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 04/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10-3.

Trong đó, những vi phạm về tuyển sinh sẽ bị phạt 20-100 triệu đồng.  

“Săn” thí sinh giỏi

Để tuyển được TS giỏi và phù hợp, nhiều trường đại học dự kiến bổ sung thêm các cách thức mới để mở rộng đối tượng hơn.

Như theo đề án dự kiến của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 7.000 sinh viên với ba phương thức xét tuyển. Trong đó, trường vẫn dành 50%-60% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi THPT.

Năm nay, trường cũng quyết định tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy để xét tuyển tối đa 40% chỉ tiêu. Chỉ tiêu sơ tuyển dự kiến là 8.000-10.000 TS. Các TS sẽ dự thi bài thi tổ hợp trong 180 phút, gồm hai phần: phần bắt buộc (toán và đọc hiểu với 120 phút) và phần tự chọn (trắc nghiệm trong 60 phút).

Đặc biệt, trường dự kiến dành 10%-20% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng.

Ở phương thức này, ngoài tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và xét kết quả thi chứng chỉ ngoại ngữ của những TS giỏi, trường còn xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn dành cho TS có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8 trở lên.

Đối tượng tham gia là những TS thuộc các diện như hệ chuyên của các trường THPT chuyên trên toàn quốc; TS được chọn tham dự kỳ thi như thi học sinh giỏi quốc gia; TS được chọn tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và cả những TS tham dự vòng thi tháng/quý/năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của Đài Truyền hình Việt Nam…

Tương tự, năm nay Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng sẽ tuyển sinh theo năm phương thức.

Trong đó, điểm mới nhất của năm nay là nhà trường mở rộng thêm đối tượng tuyển sinh là tuyển thẳng những TS giỏi nhất của các trường THPT ở phương thức xét tuyển thẳng. Tổng chỉ tiêu cho phương thức này không quá 5% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành.

Trường ĐH Luật TP.HCM năm nay cũng dành đến tối đa 35% tổng chỉ tiêu của trường cho phương thức tuyển thẳng. Những TS có kết quả học tập giỏi, đoạt giải cao ở các kỳ thi quốc gia hoặc ưu tiên những TS có điểm thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cao… được xét tuyển.

Các ngành xét tuyển bằng phỏng vấn trực tiếp

PGS-TS Bùi Hoài Thắng cho biết hiện trường đang đào tạo 19 ngành học ở chương trình chất lượng cao. Nhưng trước mắt trường giới hạn áp dụng phương thức này ở các ngành trường đang có hợp tác với các trường trên thế giới như ngành công nghệ thông tin (nhóm ngành); kỹ thuật điện - điện tử; kỹ thuật dầu khí; quản trị kinh doanh (chuyên ngành); công nghệ thực phẩm/khoa học thực phẩm…


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm