Các chương trình thi hát trên sóng truyền hình không thể đếm hết bằng đầu ngón tay. Từ những chương trình lâu năm như Sao Mai, Sao Mai Điểm hẹn, Ngôi sao Tiếng hát truyền hình, Tiếng hát mãi xanh… đến các chương trình mua định dạng nước ngoài, sản xuất được một đến vài mùa: Vietnam Idol - Thần tượng âm nhạc Việt Nam, The Voice - Giọng hát Việt, The Voice Kids - Giọng hát Việt nhí, The Winner Is - Tôi là người chiến thắng… Và năm nay là một loạt chương trình thi hát mới: Ngôi sao Việt, Star Academy - Học viện ngôi sao, The X Factor - Nhân tố bí ẩn, The Ultimate Entertainer - Tuyệt đỉnh tranh tài…
Tẻ nhạt vì chung công thức
Tối nay (18-6), chương trình Học viện ngôi sao bước vào đêm chung kết và tối 21-6, chương trình thi hát Tuyệt đỉnh tranh tài cũng vào đêm thi cuối cùng. Đây là hai chương trình thi thố ca hát được mua bản quyền sản xuất, phát sóng mùa đầu tiên tại Việt Nam, thế nhưng cả hai chương trình đều lọt vào nhóm có tỉ lệ rating thấp (tỉ lệ khán giả xem chương trình).
Thực tế, dù chương trình được mua định dạng nước ngoài hay sản xuất trong nước thì công thức chung của các chương trình thi hát cũng để tìm ra hoặc tạo ra một gương mặt có thể đứng được trong làng giải trí hay cụ thể hơn là một gương mặt hài lòng khán giả.
Dù tên gọi cuộc thi như thế nào, định dạng khác nhau ra sao, giám khảo có chiêu trò hay không… thì suy cho cùng vẫn giống nhau về mục đích. Vì thế rất khó để có khác biệt.
Còn đâu nữa mà mài
Khoảng hai năm trước, nhiều gương mặt bước ra từ Vietnam Idol, The Voice đã trở thành những ca sĩ trẻ được khán giả yêu thích như Uyên Linh, Văn Mai Hương, Đinh Hương… Nhưng khoảng hai năm gần đây, dù là quán quân thì nhiều gương mặt vẫn không tiếp tục tỏa sáng được: Thảo My (The Voice 2013), Nhật Thủy (Vietnam Idol 2013), Tia Hải Châu (The Winner Is), Hồng Quân - Huyền Trang - Thanh Huyền (Sao Mai 2013)… Họ thật sự không tạo dấu ấn đủ để hiện diện trong lòng khán giả.
Hiểu theo cách đơn giản nhất là cái mỏ tài nguyên trong dân chúng đã đến lúc cạn, nguồn thí sinh không thể dồi dào mãi để các cuộc thi làm công việc “mài cho sáng” như trước đây nữa. Tuổi nào cũng có cuộc thi cho tuổi đó. Nhiều thí sinh chỉ cần chút khả năng là nhảy hết chương trình này đến chương trình kia mong một ngày được tỏa sáng.
Nghệ sĩ không cứu nổi rating
Thiếu thí sinh, nhà sản xuất chọn phương án mời ca sĩ tham gia. Vì vậy, nhan nhản gương mặt quen: Pha Lê, Trọng Khương, Đình Nguyên, Phương Ly… ở The X-Factor. Hay một dàn sao cùng có mặt ở Tuyệt đỉnh tranh tài.
Ca sĩ tham gia thi hát lợi cho cả hai bên: Nhà sản xuất tranh thủ được tên tuổi ca sĩ với lượng fan nhất định đảm bảo phần nào cho sức nóng của chương trình; ngược lại ca sĩ có dịp làm mới hình ảnh của mình và ca sĩ nào chưa thật sự nổi bật thì sóng truyền hình cũng là kênh lan tỏa hình ảnh nhanh nhất.
Mặt khác, nếu khán giả nhàm chán vì gương mặt thí sinh kém thu hút, nhà sản xuất sẽ níu kéo bằng tên tuổi giám khảo. Điển hình là The Winner Is mùa đầu tiên, sau khi sức nóng chương trình giảm bởi Siu Black, nhà sản xuất lập tức ký hợp đồng với nghệ sĩ Hoài Linh. Và chính tên tuổi Hoài Linh cùng sự dí dỏm khi nhận xét đã giúp chương trình càng về sau càng hấp dẫn. Hay The Voice, The Voice Kids mùa đầu, sự thu hút khán giả một phần là nhờ dàn giám khảo toàn sao: Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Bùi…
Chiêu trò không cứu được lòng tin
Được biết sóng truyền hình ở khung giờ đẹp, giờ vàng gần như đã được một vài nhà sản xuất chương trình mua nguyên gói trong một năm hoặc vài năm. Điểm mặt tới lui là: Cát Tiên Sa, Đông Tây Promotion, BHD, Multimedia… Khi nhà sản xuất đã có khung giờ, việc chạy chương trình gì lên khung giờ đó chỉ còn là thỏa thuận đơn giản giữa nhà sản xuất, nhà đài và nhà tài trợ. Trung bình mỗi năm các công ty kể trên sản xuất năm, bảy chương trình là chuyện bình thường. Chính từ sự bình thường đó mà nhà sản xuất thật sự không đủ sức chăm chút chương trình cho chu đáo. Có chương trình dường như chỉ để lấp sóng mặc khán giả phải ăn món nguội lạnh. Chẳng hạn, năm 2013 khi Cát Tiên Sa chú trọng The Voice Kids mùa đầu tiên thì rất nhiều đêm liveshow của The Voice 2013 thể hiện sự cẩu thả khi xảy ra lỗi âm thanh, ánh sáng, người dẫn chương trình.
Cho đến thời điểm hiện tại, sức nóng của các chương trình thi hát qua truyền hình đã giảm sút. Dù có nhiều chiêu trò trên sóng, trên mặt báo; có thay đổi định dạng; có kêu gọi những gượng mặt nghệ sĩ chuyên nghiệp tham gia… khán giả vẫn không còn quan tâm với các tài năng thi hát nữa. Bởi đơn giản, khi càng nhiều chiêu trò thì khán giả càng không tin vào tài năng của những quán quân.
QUỲNH TRANG
Lượng khán giả các chương trình ca hát đang phải san sớt cho các chương trình giải trí truyền hình thực tế pha gameshow như Người bí ẩn, Gương mặt thân quen… Hiện tỉ lệ rating cao nhất thuộc về chương trình Người bí ẩn (16.5), Gương mặt thân quen (đêm chung kết 13.0)… còn các chương trình thi hát dường như không vượt được con số rating 5.0. Điều này cho thấy khi khán giả chán thi thố kiểu tìm kiếm tài năng, họ sẽ dễ dàng chọn những chương trình coi vui là chính mà thôi. |