Thí sinh “vỡ òa” với đề văn, thở phào đề toán

Kết thúc hai bài thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là ngữ văn và toán trong ngày 7-7, nhiều thí sinh (TS) khá bất ngờ với đề thi năm nay. Tuy nhiên, đa số TS lẫn giáo viên (GV) đều cho rằng nội dung đề cơ bản, phù hợp với điều kiện dịch bệnh và đánh giá được năng lực của người học.

Các thí sinh vui vẻ trao đổi sau giờ thi toán tại điểm thi Trường THPT Hiệp Bình (TP Thủ Đức, TP.HCM) vào chiều 7-7.  Ảnh: HOÀNG GIANG

Ngữ văn đề cao sự cống hiến

Thu hút sự quan tâm lớn nhất trong ngày thi đầu tiên là bài ngữ văn. Sau 120 phút làm bài, TS tại nhiều điểm thi trên cả nước đều tỏ ra khá bất ngờ với đề thi năm nay khi toàn bộ đề thi liên quan đến sông nước.

Trong đó, phần đọc hiểu và nghị luận xã hội là đoạn trích trong tác phẩm Bí mật của nước của tác giả Masaru Emoto, còn nghị luận văn học là ba đoạn thơ trong tác phẩm Sóng của tác giả Xuân Quỳnh.

Đánh giá về đề thi, cô Mai Thu Thủy (GV ngữ văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) cho rằng đề thi năm nay có phần đọc hiểu và nghị luận xã hội khá hay, có ý nghĩa thời sự, nhất là trong bối cảnh cả nước đang căng mình chống dịch COVID-19.

Cụ thể, theo cô Thủy, cấu trúc đề tương tự đề minh họa của Bộ GD&ĐT, gồm ba phần: Đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Nội dung đề cũng vừa sức. Tuy nhiên, điểm khác là phần đọc hiểu năm nay hoàn toàn là kiểm tra, bày tỏ quan điểm cá nhân của TS làm bài.

Đây là cách ra đề khá hay, đòi hỏi TS phải có quá trình rèn luyện dài và có sự trau dồi về kỹ năng đọc rất nhiều mới làm bài tốt. Việc này cũng tránh trường hợp “gà bài” của người dạy và thể hiện được năng lực của học sinh.

Cô Thủy đánh giá cao khi đề đặt ra vấn đề về sự cần thiết của sự cống hiến. Đây là đề tài không quá khó với TS, vì trong quá trình học, các em đã được thầy cô nói nhiều về tầm quan trọng của sự cống hiến, nhất là với giới trẻ.

“Hình ảnh dòng nước, hình ảnh con suối, dù nhỏ bé nhưng góp phần bồi đắp thành phù sa để tạo nên sự trù phú cho cuộc sống. Vấn đề này không mới, không có gì quá lớn lao, cao cả nhưng rất thiết thực và giá trị, rất cần cho các em và các em sẽ làm bài tốt nhất thông qua những trải nghiệm của chính các em trong bối cảnh xã hội bây giờ” - cô Thủy bày tỏ.

Còn về nghị luận văn học, theo cô Thủy, bài thơ Sóng và chủ đề về tình yêu là tác phẩm rất gần gũi với học sinh, vừa đằm thắm, nữ tính nhưng cũng rất sâu sắc và mãnh liệt. Ba khổ thơ đề cập trong đề là ba khổ thơ gần như truyền tải được hết thông điệp về tình yêu trong thơ của Xuân Quỳnh, TS dễ dàng cảm nhận để làm bài.

Tuy nhiên, theo cô Thủy, nội dung trong ba khổ thơ khá nhiều nên TS có thể sẽ không đủ thời gian để truyền đạt hết vào bài làm một cách tròn trịa.

“Với đề có sự phân loại này, phổ điểm ngữ văn năm nay chủ yếu sẽ rơi vào 4-6 điểm. TS để đạt được từ 7 điểm trở lên đòi hỏi các em phải có kỹ năng phân tích, phải biết đi từ nghệ thuật để làm bật lên nội dung. Nếu không nắm kỹ bài, chỉ diễn đạt xuôi theo câu thơ, thang điểm sẽ không cao” - cô Thủy nhận định.

Đồng quan điểm, cô Lưu Mai Tâm (GV Trường THPT Trịnh Hoài Đức, Bình Dương) cho rằng đề thi có tinh thần đổi mới, có độ mở, tính thực tiễn, tính giáo dục, chú ý tới đánh giá năng lực của học sinh.

Theo cô Tâm, ở phần đọc hiểu không có câu hỏi nhận biết chung về kiểu loại văn bản. Ở câu về thông hiểu, TS cần trình bày cách hiểu về dòng chảy của nước và cuộc sống con người, chỉ ra mối liên hệ giữa quy luật tự nhiên và đời sống xã hội, hoặc ý nghĩa của những giá trị từ tự nhiên đối với cuộc sống con người. Từ đề thi, TS rút ra những bài học về lẽ sống thông qua hành trình từ sông ra biển của nước trong đoạn trích.

Cô Tâm cũng đánh giá cao câu nghị luận xã hội khi yêu cầu viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải biết sống cống hiến. Đây là vấn đề mở, gần gũi với tuổi trẻ. Đề bài có tính giáo dục, hướng tới một lối sống tích cực, ý nghĩa.

Còn câu nghị luận văn học có tính phân hóa, TS cần huy động kiến thức, kỹ năng phân tích thơ, diễn đạt để tạo thành bài viết.

Tổng số TS dự thi: Môn ngữ văn: 977.642 TS, đạt tỉ lệ 97,1%; môn toán: 981.773 TS, đạt tỉ lệ 97,18%.

Tổng số TS bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên không thể dự thi: 23.786 TS.

Có chín TS bị đình chỉ thi. 

Đa số câu hỏi trong đề toán chỉ ở mức cơ bản

Kết thúc bài thi toán, phần lớn TS ở các điểm thi đều tỏ ra phấn khởi vì đề thi ở mức cơ bản, phù hợp với điều kiện dịch bệnh khi các em bị ảnh hưởng đến học tập.

Thầy Nguyễn Văn Khanh (GV toán Trường THPT Tạ Quang Bửu, TP.HCM) cho rằng đề thi toán năm nay tương tự đề minh họa của Bộ GD&ĐT, vừa sức với học sinh, nội dung khá cơ bản và trong chương trình các em đã học. Cách ra đề cũng phù hợp với điều kiện dịch bệnh hiện nay, phù hợp để xét tốt nghiệp THPT.

Theo thầy Khanh, đề có 50 câu nhưng có đến 40 câu đầu chủ yếu là kiến thức cơ bản, TS có học lực trung bình nhưng vững kiến thức sẽ làm tốt.

Từ câu 41 đến 45, nội dung kiến thức bắt đầu khá dần nhưng vẫn có thể làm được nếu các em vận dụng tốt kiến thức. Riêng năm câu cuối cùng thuộc nhóm khó vì để phân loại học sinh, thuộc các nội dung về hình học, hàm số, số phức… “Với đề này, TS sẽ dễ dàng lấy được 6-7 điểm. Để đạt 8-9 điểm sẽ khó, vì với những câu khó đòi hỏi em nào phải thật xuất sắc mới làm được” - thầy Khanh cho hay.

Tương tự, thầy Phạm Duy Luân (GV Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, TP.HCM) chia sẻ đề toán có 50 câu trắc nghiệm. Đề chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và có khoảng bảy câu thuộc chương trình lớp 11 ở các nội dung quen thuộc như cấp số nhân, tổ hợp xác suất, góc và khoảng cách của hình học không gian.

“Những câu khó nhất thuộc về phần đại số và giải tích. Những câu dễ và rất dễ chiếm khoảng 70% đề thi. Các em có lực học trung bình nhưng làm cẩn thận thì vẫn có thể đạt được từ 7 điểm. Đề có năm câu hơi khó ở mức độ vận dụng cao để phân loại học sinh nhưng những dạng này không lạ so với các đề thi năm trước. Các em có học lực khá, giỏi nếu làm cẩn thận sẽ có thể đạt được điểm 8 trở lên tương đối dễ dàng” - thầy Luân nhận định.•

 

Sáu điểm thi tại TP.HCM có các trường hợp F0, F1

Thông tin từ Sở GD&ĐT TP.HCM, trong ngày thi đầu tiên, TP.HCM ghi nhận có sáu điểm thi xuất hiện các TS là F0, F1. Ở buổi thi môn văn, có ba điểm thi phát hiện TS thuộc diện F0. Đó là Trường THPT Lê Thánh Tôn (quận 7), Trường THCS Đặng Trần Côn (quận Tân Phú), Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3).

Trong buổi thi môn toán cũng có ba điểm thi liên quan F1, F0. Điểm thi Trường THCS Bàn Cờ (quận 3) có một TS F0. Điểm thi Trường THCS Bình Tây (quận 6) có một TS F1 nên đã chủ động nghỉ thi môn toán. Điểm thi Trường THCS Lý Phong (quận 5) có một TS dương tính.

Liên quan đến trường hợp TS thi tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn và Trường THCS Bàn Cờ, đều ở quận 3, các TS có liên quan sau khi thi xong môn toán được đưa về khách sạn cách ly, không về nhà. Hôm nay, các TS sẽ thi phòng riêng để hoàn thành kỳ thi.

Bắc Giang, Phú Yên dừng ba điểm thi vì có thí sinh test nhanh dương tính với COVID-19

Sáng 7-7, tỉnh Bắc Giang đã quyết định không tổ chức điểm thi tại Trường THPT Lạng Giang số 3 do một TS có kết quả test nhanh dương tính với COVID-19.

Các TS đăng ký dự thi tại điểm thi này sẽ tham gia thi vào đợt 2.

Trước sự việc này, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã nghiêm khắc phê bình chủ tịch UBND huyện và Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Tân Yên. Ngoài ra, chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, cùng Thường trực Huyện ủy Tân Yên đề xuất chủ tịch UBND tỉnh quyết định đình chỉ công tác và kỷ luật các cá nhân có liên quan để xảy ra vụ việc trên (hoàn thành trong ngày 7-7). Đặc biệt có giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Yên.

Sáng cùng ngày, tỉnh Phú Yên cũng dừng tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai ở huyện Tây Hòa và điểm thi Trường THCS Trần Hưng Đạo ở TP Tuy Hòa vì có nhiều TS qua test nhanh nghi nhiễm COVID-19. Có hơn 600 TS phải ngừng, chờ thi đợt 2.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm