Thi tốt nghiệp THPT: Đề bài thi tổ hợp phân hoá rõ ràng

(PLO)- Nhiều giáo viên nhận xét, đề thi các môn thành phần trong bài thi tổ hợp của kỳ thi tốt nghiệp THPT phân loại được thí sinh và có tính vận dụng cao.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau 150 phút, thí sinh đã hoàn thành bài thi tổ hợp kỳ thi tốt nghiệp THPT vào sáng 28-6.

Bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên: Không dễ lấy điểm tuyệt đối

Với môn Hoá, Ths Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11 cho biết đề dễ thở, giữ cấu trúc và mức độ phân hóa tương đối ổn định và không nhiều biến động.

Trong 21 câu đầu tiên, tất cả lý thuyết ở mức độ nhận biết và thông hiểu, chủ yếu chương trình lớp 12. Từ câu thứ 22 trở đi là các bài tập cơ bản phân hoá dần từ thấp đến cao.

thi tốt nghiệp THPT
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM. Ảnh: LONG VŨ

Độ phân hóa cao nhất nằm ở 7- 8 câu cuối gồm các câu lý thuyết tổng hợp và bài toán hoá học.

Với đề thi này học sinh trung bình, khá dễ đạt được 6.0 - 7.5 điểm. Học sinh giỏi có thể đạt từ 8.0 đến 8.75 và học sinh xuất sắc nắm chắc chắn kiến thức cả 3 năm mới đạt trên 9.0 điểm.

Nhìn chung mức độ phân hóa của đề khá tốt, đảm bảo mục tiêu kì thi 2 trong 1, có thể đánh giá được học sinh giỏi, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường Đại học tuyển sinh vừa có thể giúp các em chọn tổ hợp bài thi KHTN để thi tốt nghiệp.

Với môn Sinh học, Ths Phan Thị Hải Yến, giáo viên Sinh học Trường THPT Trần Nhân Tông, quận Bình Tân, TP.HCM, đánh giá 90% câu hỏi trong đề thuộc chương trình lớp 12. Đề bám sát cấu trúc của Bộ GD&ĐT đã công bố trước, không nằm trong nội dung đã giảm tải.

Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay có tính ứng dụng cao. Các câu hỏi nhận biết, thông hiểu tương đối dễ, không có yếu thách đố. Đề thi năm nay khá này, gồm 6 trang yêu cầu học sinh phải đọc thật kĩ đề. 10 câu vận dụng có tính ứng dụng vào thực tiễn trong cuộc sống. Đề có sự phân hoá rất rõ ràng, các câu hỏi mức cơ bản, học sinh trung bình khá đều có thể làm được. Với đề thi này khá thuận lợi cho mục tiêu xét tuyển đại học.

Thầy Bùi Mạnh Tân, tổ trưởng chuyên môn tổ vật Lý, Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 nhận định đề thi Vật lý có cấu trúc và mức độ phân hóa như đề thi năm 2023. Các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, chủ yếu là kiến thức lớp 12 THPT. Năm nay lớp 11 chỉ lấy 2 câu lý thuyết và không có bài tập.

Từ câu 1 đến câu 32, mức độ dễ, học sinh khá dễ dàng hoàn thành các câu này. Từ câu 33 đến câu 35, độ khó được nâng lên, học sinh khá, giỏi có thể giải quyết trong khả năng. Từ câu 36 đến câu 40, là 5 câu vận dụng cao, được phân bố 5 nội dung : con lắc lò xo, giao thoa sóng cơ, giao thoa sóng ánh sáng, điện xoay chiều và hạt nhân. “Phổ điểm môn Vật Lý sẽ tập trung vào khoảng 7,5 đến 9 điểm” - thầy Tân nói.

Tương tự, thầy Nguyễn Xuân Trường, giáo viên môn vật lý, Trường THPT Thượng Cát, Hà Nội đánh giá đề vừa sức, tương đương đề năm ngoái và bám sát đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Đề có 4 câu hỏi thuộc chương trình lớp 11. Các câu còn lại đều nằm trong kiến thức của chương trình lớp 12. Tuy nhiên, đề có 4 câu rất khó, đó là các câu hỏi về dao động cơ, sóng cơ và sóng âm, điện xoay chiều và sóng ánh sáng. Đặc biệt, câu hỏi về điện vừa lạ lại vừa khó, nhiều học sinh đọc đề xong có thể hoang mang vì không hiểu gì, nhiều em có thể bỏ luôn câu này. “Đề có tính phân hóa tốt, học sinh khá và khá giỏi, học chắc có thể làm tốt 36 câu, dễ lấy điểm 8-9 điểm. Trên 9 thì chỉ dành cho học sinh xuất sắc. Đề thi này cũng rất khó để có mưa điểm 10”, thầy Trường nói.

Bài thi tổ hợp khoa học xã hội: Có nét mới

thi tốt nghiệp THPT
Thí sinh trao đổi bài sau bài thi tổ hợp. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cô Phạm Thị Luyến, tổ trưởng chuyên môn tổ giáo dục công dân Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 đánh giá đề thi tốt nghiệp THPT năm nay theo đúng cấu trúc của đề minh họa. 90% là kiến thức nằm trong chương trình lớp 12, còn 10% là kiến thức của chương trình lớp 11.

Học sinh nếu học bài sẽ được 8 điểm trở lên. 2. Trong đề thi có một số câu tình huống pháp luật học sinh phải đọc kĩ đề thi, xác định đúng yêu cầu của đề để tránh bị nhầm lẫn đáng tiếc. Những câu khó của đề thường rơi vào bài 2, 4, 6, 7 của lớp 12. Còn kiến thức lớp 11 chủ yếu là nhận biết và thông hiểu.

Đề thi năm nay có một số câu hỏi mang tính nhận định đúng, sai. Đó là điểm hơi khác với đề thi mấy năm trước.

Dự báo điểm thi năm nay cũng không có nhiều biến động so với các năm trước.

Với môn lịch sử, Ths Thiều Quang Thịnh, giáo viên Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè cho biết cấu trúc đề thi bám sát đề tham khảo với 75% nhận biết, thông hiểu (30 câu đầu), 25% vận dụng (10 câu cuối).

Trong đó, 4 câu thuộc nội dung lịch sử 11, 2 câu lịch sử Việt Nam (cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20) và 2 câu lịch sử thế giới (chiến tranh thế giới thứ 2 và cách mạng tháng Mười Nga 1917).

Nội dung câu hỏi chủ yếu nằm trong chương trình Lịch sử 12. Những câu hỏi vận dụng tập trung phần lịch sử Việt Nam. 30 câu đầu, học sinh hoàn toàn dễ dàng có điểm khi đọc kỹ các đáp án, tách biệt rõ giữa đáp án đúng với đáp án sai. Cách đặt câu hỏi ở phần này giống với đề thi THPT năm 2023.

10 câu cuối có sự phân hóa sâu sắc. Câu hỏi yêu cầu đưa ra nhận định hoặc so sánh tính chất, đặc điểm của những sự kiện quan trọng trong giai đoạn lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1975. Các em phải nắm chắc kiến thức và tư duy lịch sử tốt thì mới có điểm trọn vẹn phần này.

Đáng chú ý, đề Sử năm nay có 2 câu hỏi, yêu cầu thí sinh đọc đoạn tư liệu được trích từ sách và lựa chọn đáp án đúng. Đây là nét mới và tương đối giống với đề minh hoạ cho kì thi tốt nghiệp năm sau 2025.

“Thang điểm 5.5-6 sẽ chiếm số lượng nhiều” - thầy Thịnh nói.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Hà Diễm, giáo viên Trường THPT Hùng Vương, quận 5 cho hay đề thi phù hợp với năng lực của học sinh, trải dài từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao cho phép có thể vừa xét tuyển tốt nghiệp vừa xét tuyển đại hoc. Theo tôi thì đề thi vừa sức với các em.

Điểm mới năm này dành 15% câu hỏi đánh giá phẩm chất năng lực của học sinh bằng tư liệu lịch sử. Đây cũng là bước chuyển tiếp chuẩn bị kì thi 2025 của chương trình mới.

Với môn địa lý, cô Lê Thị Thu Ngân, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn nhận định, trong đề các câu kỹ năng biểu đồ, bảng số liệu, atlat rõ ràng, không đánh đố. Học sinh không tốn quá nhiều thời gian để tìm kiếm thông tin trên atlat. Các câu lý thuyết ở mức hiểu và biết khá dễ,có nhiều từ khóa giúp học sinh dễ loại trừ đáp án. Trong 8 câu lý thuyết vận dụng thì có khoảng 6 câu tương đối dễ loại trừ đáp án, còn 2 câu các em phải hiểu kỹ, khả năng suy luận tốt mới có thể chọn được đáp án đúng vì sau khi loại 2 đáp án độ gây nhiễu thấp thì còn lại 1 đáp án độ gây nhiễu rất cao.

“Đề không quá khó. Phổ điểm 7-8 sẽ dễ lấy đối với các bạn không lựa chọn địa để xét tuyển đại học nhưng vẫn học bình thường và đều đặn. Còn nếu các em không học lý thuyết, chỉ ôn kỹ năng thì đạt được khoảng 5 điểm.

Đối với các bạn xác định xét đại học, ôn kỹ, giải nhiều đề thì tỉ lệ 8,75-9,5 sẽ tương đối cao. 9,75 và 10 sẽ hơi khó. Đề chống liệt rất tốt vì các câu kỹ năng tương đối dễ lấy 5" - cô Ngân nhận xét.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm