Thị trường vàng trang sức rơi vào cảnh chợ chiều

(PLO)- Doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức khóc ròng, thợ kim hoàn thất nghiệp ngay cả khi giá vàng liên tục thiết lập lên mức cao chưa từng có.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-11, thị trường vàng trong nước chứng kiến đà tăng giảm trái chiều của cả vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn 9999.

Vàng nhẫn 9999 giữ vững mốc cao kỷ lục

Cụ thể, giá vàng miếng SJC tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn như Phú Nhuận, SJC, DOJI, Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu đồng loạt điều chỉnh giảm từ 50.000 – 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, đưa giá mua vào về quanh ngưỡng 69,9 – 70 triệu đồng/lượng, bán ra trong khoảng 70,68 - 70,85 triệu đồng/lượng.

Riêng công ty Mi Hồng lại cộng thêm 50.000 đồng ở chiều mua và giảm 50.000 đồng ở chiều bán, neo giá mua – bán vàng miếng SJC tại đây ở mức 70,15 – 70,6 triệu đồng/lượng.

Đối với các loại vàng nhẫn tròn trơn 24K sau khi tiến sát lên mốc 60,4 triệu đồng mỗi lượng vào chiều qua thì đến sáng nay (18-11) đã suy yếu nhưng vẫn giữ vững vùng đỉnh lịch sử - 60 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá bán ra dao động từ 60,1 - 60,2 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng không thay đổi so với giá mở cửa một ngày trước, giao dịch quanh mốc 1.981 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 58,3 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).

Như vậy, giá vàng thế giới thấp hơn vàng SJC khoảng 12 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng nhẫn 9999 khoảng 2 triệu đồng/lượng.

Doanh thu từ vàng trang sức sụt giảm mạnh.
Doanh thu từ vàng trang sức sụt giảm mạnh.

Thị trường vàng trang sức rơi cảnh chợ chiều

Dù thị trường vàng trong nước đang chứng kiến đà tăng phi mã của giá vàng 9999, vàng 9999 liên tục xô đổ các kỷ lục nhưng mãi lực lại rất yếu.

Mới đây, tại hội thảo "Về chất lượng vàng trang sức tại Việt Nam", ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP HCM (SJA) cho biết: Hiện nay sức mua vàng trang sức đã rơi xuống mức rất thấp, chỉ còn khoảng 30% so với trước đây. Doanh thu giảm mạnh đến 70% và các cơ sở sản xuất vàng trang sức nhỏ lẻ hầu như đã đóng cửa.

Những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng trang sức có quy mô mua bán tương đối lớn cũng chỉ giữ lại vài người thợ để sửa chữa sản phẩm của khách hàng quen biết.

Ngay cả các công ty lớn, trước đây từng thu hút lực lượng lao động lên đến 200, 400, 600 thậm chí lên đến 1.000 người thợ kim hoàn nhưng vào thời điểm khảo sát, có 10 đơn vị biết số người lao động đã giảm tới 40-60%, doanh số của khoảng 20 chành lớn cũng giảm mạnh, hiện chỉ còn 40-60%.

"Thị trường vàng trang sức trên địa bàn thành phố hiện nay bị thu hẹp đáng kể, có hơn 20.000 thợ kim hoàn đang gặp rất nhiều khó khăn và thời gian tới được dự báo còn khó khăn hơn nữa.

Các doanh nghiệp trong ngành vàng trang sức hiện nay đánh giá sức mua của người tiêu dùng đi xuống rõ rệt.

Nhìn chung về mãi lực đối với thị trường vàng trang sức mỹ nghệ rất yếu, nhiều doanh nghiệp đang ngồi chơi không, sản lượng sản xuất vàng trang sức rất thấp và dự đoán sẽ còn giảm trong thời gian tới" - ông Dưng nói thêm.

Bên cạnh đó, Chủ tịch SJA cũng cho biết thời gian qua do tình hình khan hiếm vàng nguyên liệu nên các doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều rủi ro về nguồn gốc vàng.

Do đó, các doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, không có sản phẩm để xuất khẩu, từ đó Nhà nước cũng bị mất đi nguồn thu ngoại tệ rất lớn từ ngành này.

"Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần cho phép doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ để đáp ứng chất lượng sản phẩm cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng" - ông Dưng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm