Ban tổ chức đã chọn ra được 34 thí sinh trong khắp cả nước để tham gia vòng chung kết cuộc thi diễn ra từ ngày 1 đến 27-6-2015 tại TP Cần Thơ. Đêm chung kết cuộc thi sẽ diễn ra vào tối 27-6-2015 với hậu cảnh là vùng sông nước mênh mông đậm chất đồng bằng miền Tây. Nhà báo - đạo diễn Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng ban giám khảo cuộc thi “Hoa khôi đồng bằng sông Cửu Long”, cho biết: “Cuộc thi sẽ tạo cơ hội cho vẻ đẹp của các cô gái đồng bằng tỏa sáng hơn, được biết đến nhiều hơn”.
Nhiều nhà báo tại cuộc họp báo đã đặt các câu hỏi: Tại sao cuộc thi mang tên “Hoa khôi đồng bằng sông Cửu Long” lại tuyển sinh trên toàn quốc? Nếu một thí sinh từ miền Bắc hoặc miền Trung đoạt danh hiệu hoa khôi thì có đáp ứng được tiêu chí của cuộc thi hay không?
Hoa hậu Việt Nam Đặng Thu Thảo (đến từ tỉnh Bạc Liêu), từng đoạt danh hiệu hoa khôi đồng bằng sông Cửu Long năm 2012, là thành viên ban giám khảo vòng chung kết cuộc thi. Ảnh: H.BÌNH
Đại diện ban tổ chức cuộc thi trả lời rằng cuộc thi lấy tiêu chí chung về thi hoa hậu, hoa khôi chung do Nhà nước quy định, không lấy tiêu chí riêng nên tuyển sinh trong cả nước. Thí sinh mọi vùng miền trên cả nước, không phân biệt vị trí địa lý đều có cơ hội ngang nhau để trở thành hoa khôi đồng bằng sông Cửu Long 2015. Tên cuộc thi không mang ý nghĩa riêng cho vẻ đẹp của phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long. Vẻ đẹp về nhân trắc học là như nhau, không phân biệt vùng miền, địa lý; tuy nhiên cũng sẽ có những khác biệt về gương mặt, giọng nói đặc trưng vùng miền nên ban giám khảo sẽ chọn những vẻ đẹp nào có sự phù hợp nhất định với đặc trưng đồng bằng sông Cửu Long.
Tên của cuộc thi dễ gây hiểu nhầm rằng đây là cuộc thi để tìm vẻ đẹp đại diện cho phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long nên không thể nào có một phụ nữ vùng miền khác lại đại diện cho vẻ đẹp của phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long mà hợp lý, thuyết phục được. Có nhà báo đã đặt vấn đề nếu chỉ là cuộc thi chọn ra một vẻ đẹp chung chung, tại sao ban tổ chức cuộc thi không chọn lấy bất cứ một cái tên nào đó mà phải để cái tên cuộc thi là “Hoa khôi đồng bằng sông Cửu Long” để gây tranh cãi.
Từ vấn đề ở cái tên của cuộc thi này, rõ ràng đã đến lúc cần làm rõ hơn nữa về tiêu chí, mục đích và tên gọi các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi về sau. Bởi rõ ràng công chúng có quyền thắc mắc vì sao một phụ nữ miền Bắc hay miền Trung sẽ là hoa khôi đồng bằng sông Cửu Long nếu điều đó xảy ra.