Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang chỉ ra 5 yếu tố ảnh hưởng đến an toàn giao thông của Đồng Nai

(PLO)- Đồng Nai cần tập trung rà soát các văn bản liên quan để có kiến nghị phù hợp với tình hình địa phương, đặc biệt phân tích số liệu, nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-4, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023' đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai.

Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh có diện tích rộng, dân số đông, là cửa ngõ của vùng Đông Nam bộ với nhiều tuyến quốc lộ huyết mạch đi qua.

Đây cũng là một trong những địa phương trọng điểm về phát triển kinh tế của khu vực phía Nam nên nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa trên tuyến đường bộ rất lớn.

quốc hội.jpg
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: VH

Từ năm 2009 đến hết năm 2023, toàn tỉnh Đồng Nai xảy ra hơn 8.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 5.300 người và bị thương hơn 6.400 người.

Lực lượng cảnh sát giao thông đã xử phạt hơn 5,1 triệu trường hợp vi phạm, tạm giữ hơn 517.000 phương tiện, phạt tổng số tiền hơn 2.100 tỉ đồng.

Thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Ban An toàn giao thông (ATGT), các cơ quan, đơn vị tích cực hơn trong chỉ đạo, điều hành, phối hợp, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT. Do đó, tình hình trật tự ATGT trên cả ba lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy giai đoạn này cơ bản vẫn được duy trì ổn định, tai nạn giao thông giảm dần theo từng năm, đặc biệt là số người chết.

Dù vậy vẫn còn bộc lộ một số tồn tại như phương tiện tham gia giao thông tăng nhưng tốc độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn thấp.

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị nhằm huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia bảo đảm trật tự ATGT. Trong đó, ban hành quy định nêu rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện chỉ thị.

Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang chỉ ra 5 yếu tố ảnh hưởng đến an toàn giao thông của Đồng Nai
Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VH

Nói về tình hình trật tự ATGT trên toàn tỉnh, Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, đã chỉ ra năm yếu tố ảnh hưởng.

Cụ thể, xuất hiện bất cập trong thực thi một số nghị định, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông; hạn chế từ hạ tầng giao thông; bất cập khi tổ chức giao thông; ý thức và kỹ năng của người tham gia giao thông và việc xử lý vi phạm trên lĩnh vực giao thông.

“Nếu xử lý tốt năm vấn đề nêu trên sẽ góp phần đảm bảo an toàn giao thông tại Đồng Nai” - Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang nhấn mạnh.

quốc hội 2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới ghi nhận và đánh giá cao những mặt làm được của tỉnh Đồng Nai. Ảnh: VH

Phát biểu tại cuộc làm việc, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh ghi nhận và đánh giá cao những mặt làm được của Đồng Nai.

Ông yêu cầu thời gian tới Đồng Nai cần tập trung rà soát các văn bản liên quan để có kiến nghị phù hợp với tình hình địa phương, đặc biệt chú tâm phân tích số liệu, nguyên nhân xảy ra tai nạn. Từ đó có những giải pháp phù hợp, hiệu quả, kéo giảm tình trạng xảy ra tai nạn giao thông.

Đồng thời, quan tâm hơn nữa việc phối hợp giữa các lực lượng, ngành chức năng trong công tác quản lý về trật tự ATGT cũng như công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp Nhân dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm