Thợ cạo vỉa hè Hà Nội

Trước thời kỳ đổi mới, cả Hà Nội chỉ lưa thưa một vài ông thợ cắt tóc vỉa hè, tính ra chắc không quá một bàn tay. Số lượng tăng lên đáng kể từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Con số này lại giảm sút khi nhiều nơi cấm hoạt động này trên vỉa hè. Hiện giờ, Hà Nội vẫn còn lác đác vài nơi tập trung những người chăm sóc mái tóc cho thiên hạ.

“Phần lớn các salon tạo mẫu tóc hoành tráng nhất ở Hà Nội đều là của các thợ vỉa hè đi lên”, anh Hà – người có thâm niên 15 năm trong nghề cho biết. Nay anh đã có cho mình một salon nho nhỏ nằm trong con ngõ vắng lặng. Buổi trưa tĩnh mịch, thi thoảng lác đác vài tiếng xe máy đi qua, anh kể về kỷ niệm khó quên những ngày đầu cầm kéo: “Mình mới học cắt tóc được 7 ngày, cũng kê ghế ra khu Nhạc viện ngồi. Một ông khách bước đến, râu xồm, mặt sẹo, rõ là dân “anh chị”. Mình vừa cắt vừa run, cắt hơn 2 tiếng đồng hồ mãi không xong. Cuối cùng thì cắt hỏng. Ông khách bặm trợn bảo thôi, húi cua đi. Làm xong không những không bị đánh mà còn được bo thêm gấp 4 lần tiền cắt”.

Lợi thế lớn nhất của những người này là không mất tiền thuê địa điểm, không tốn chi phí điện nước. Chỉ cần cái ghế đệm, cái gương là có thể kiếm cơm qua ngày. Giá trung bình chỉ bằng một nửa so với các salon nên đương nhiên, số lượng khách cũng đông hơn. Từ đó, họ có thêm điều kiện để thực hành và nâng cao tay nghề.

“Muốn làm thợ cắt tóc, trước tiên bản thân mình phải gọn gàng, sạch sẽ. Phải biết chăm sóc cho bản thân thì mới chăm sóc cho người khác được” - lời người thợ cắt tóc đã khuất núi thi thoảng văng vẳng bên tai tôi mỗi khi nhìn thấy những cái gương, chiếc ghế trên các con phố vội lướt qua.

Thợ cạo Hà Nội là một nghề riêng. Đừng quên rằng trong số họ đã từng sản sinh ra một tay kéo đỉnh cao luôn cắp tráp theo hầu vua Bảo Đại trong các chuyến công du trong và ngoài nước.

Một người thợ cắt tóc khu vực Văn Miếu.
Họ tâm sự, gặp được khách sạch sẽ thì may, gặp phải khách lười vệ sinh, đầu tóc bẩn thỉu, thậm chỉ có khách bị nấm mốc đầy đầu cũng phải chịu, đành vừa xịt nước, vừa cắt.
Mặc dù không mất tiền địa điểm nhưng thợ vỉa hè gặp vô vàn khó khăn. Nếu chỉ đứng một mình trên cả con phố, khách sẽ ít vô cùng, chỉ loanh quanh vài người khách quen. Nếu đứng cùng nhiều người để tạo thành một tụ điểm thì phải cạnh tranh nhau về tốc độ. Khách sẽ không xếp hàng chờ đợi mà chọn luôn ông thợ nào đang rảnh.
Ngõ Phất Lộc, nổi tiếng với bún đậu mắm tôm, cũng điểm xuyết một góc làm đẹp cho các quý ông.
Các bác thợ già với hàng chục năm kinh nghiệm luôn được đồng nghiệp tôn trọng về tay nghề. Đặc biệt, đối với các kiểu đầu dị như “đinh lệch” hay “chim sẻ đi mưa”, hầu như rất ít thợ trẻ có thể làm tốt như thợ già.
Mùa lạnh là lúc những cơn gió mùa mang đến bao sự phiền toái cho họ. Gió có thể thổi tung bạt, thổi cả những sợi tóc dưới đất vào mặt họ. Vài hạt mưa rơi xuống cũng đồng nghĩa với việc thất thu. Trong khi các salon vẫn hoạt động bình thường dù nắng hay mưa, dù sáng hay tối thì bên ngoài vỉa hè, khi mặt trời khuất bóng, những người thợ này gặp nhiều trở ngại khi làm việc.
Cắt cho trẻ con khó hơn cho người lớn vì nhiều cháu không chịu ngồi yên. Đôi khi, phải đưa báo cho đọc để chúng tập trung.
Theo DƯƠNG QUỐC BÌNH (Lao Động)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới