Cử tri bức xúc nạn phá rừng, thuốc dỏm, tham nhũng

Sáng nay (23-10), tại phiên khai mạc kỳ họp 4, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn sẽ trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Quốc hội.

Bản báo cáo tập hợp hơn 2.300 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước, chia thành sáu nhóm vấn đề từ y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm, việc làm cho đến những vấn đề lớn của đất nước như phòng, chống tham nhũng, lãng phí, công tác cán bộ, quản lý đô thị và GTVT…

Một loạt vấn đề nóng cần xử lý

Báo cáo cho biết bên cạnh những kiến nghị tháo gỡ khó khăn, rào cản cho sản xuất kinh doanh, cử tri lo lắng về giá nông sản còn thấp, đầu ra chưa ổn định. Trong khi đó giá cả vật tư nông nghiệp vẫn tăng, ảnh hưởng đến người sản xuất và chăn nuôi.

Theo đó, cử tri lo lắng, bức xúc với tình trạng nhập khẩu và bán thuốc chữa bệnh kém chất lượng với số lượng lớn (điển hình là vụ án nhập thuốc điều trị ung thư của Công ty Cổ phần VN Pharma). Cùng đó là tình trạng dịch sốt xuất huyết bùng phát; việc lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế; tình trạng mất an toàn thực phẩm, lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón trong trồng trọt, chất cấm trong chăn nuôi…

Về giáo dục, đào tạo, dạy nghề và việc làm: Cử tri phản ánh chất lượng đào tạo sau đại học, dạy nghề còn hạn chế; tình trạng các doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động hoặc không tuyển dụng đối với lao động từ 35 tuổi trở lên (đặc biệt là lao động nữ) gây bất ổn trong xã hội. Cùng đó là tình trạng lạm thu đầu năm học với nhiều khoản thu quá cao, bất hợp lý gây khó khăn và bức xúc cho phụ huynh và gia đình…

Ngoài ra, cử tri cũng phản ánh một số vấn đề như tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân ngày càng gia tăng và đáng lo ngại.

Đáng chú ý là tình trạng phá rừng tại một số địa phương. Đặc biệt, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai, lũ lụt thời gian qua, cử tri đề nghị cần tăng cường công tác dự báo, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trên tinh thần đó phải phòng ngừa xâm nhập mặn, có biện pháp hữu hiệu chấm dứt nạn phá rừng, khai thác cát, sỏi trái phép, sử dụng nguồn nước ngầm tràn lan đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái và cuộc sống của người dân.

Tình trạng phá rừng liên tiếp xảy ra khiến cử tri cả nước rất bức xúc. Ảnh: TẤN LỘC

Lên án tình trạng lạm quyền, quan liêu

Bên cạnh những vấn đề sát sườn với đời sống, cử tri cũng đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và bổ nhiệm cán bộ.

Trong đó cử tri đánh giá cao việc xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, gây thất thoát tài sản trong thời gian qua. Tuy nhiên, cử tri cũng phản ánh việc phát hiện tham nhũng chưa kịp thời, công tác tự kiểm tra, thanh tra chưa thực sự hiệu quả. Hành vi tham nhũng tuy đã bị xử lý hành chính, kỷ luật nhưng ít bị xử lý hình sự.

Cụ thể, một số dự án lớn đầu tư thua lỗ, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước, điển hình là 12 dự án, nhà máy thua lỗ của ngành công thương có tổng mức đầu tư là 63.610 tỉ đồng. Việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp, trong khi đó hiệu quả của công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hạn chế.

Cử tri cũng rất bức xúc về tình trạng lợi dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ. Việc bổ nhiệm sai quy trình, thiếu và không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, đã phát hiện có 9/11 địa phương, 58 trường hợp bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn như Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Yên Bái và Đà Nẵng; tỉnh Sóc Trăng có 108/550 trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đủ một số tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

Cử tri cũng lên án tình trạng lạm quyền, quan liêu và thái độ thiếu chuẩn mực của cán bộ, công chức ở một số cơ quan, địa phương. Người dân vẫn phải “lót tay” để giải quyết công việc, thủ tục hành chính còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành. Trong đó có những vụ việc đã rõ địa chỉ như vụ việc xin cấp giấy chứng tử tại UBND phường Văn Miếu (quận Đống Đa, Hà Nội); một số vụ việc về chứng thực lý lịch để hoàn thiện hồ sơ nhập học của công dân xảy ra tại các địa bàn Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Dương...

Theo đó, cử tri đề nghị các cấp quyết tâm hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, kiên quyết xử lý những đảng viên, cán bộ, công chức có biểu hiện suy thoái, có hành vi tham nhũng, lãng phí, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu hay chuyển công tác.

Cử tri yêu cầu phải xử lý nghiêm khắc đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm, đồng thời công khai kết quả giải quyết để người dân biết, giám sát. Đồng thời, cử tri đề nghị hoàn thiện, sửa đổi quy định pháp luật có liên quan nhằm ngăn chặn những kẽ hở trong công tác tổ chức cán bộ. Cùng đó phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của báo chí và nhân dân trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Ùn tắc giao thông, ngập nước... khiến dân không hài lòng

Cử tri cũng cho rằng công tác quản lý, điều chỉnh, triển khai quy hoạch đô thị ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở một số TP lớn chưa thực sự hợp lý.

Việc lập quy hoạch các khu đô thị, các dự án lớn thiếu khoa học, tình trạng chung cư cao tầng tại các khu trung tâm với mật độ dân cư lớn trong khi hạ tầng chưa đồng bộ. Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài và úng ngập nghiêm trọng, nhất là khi có mưa lớn hoặc triều cường, gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Đặc biệt cử tri của Hà Nội và TP.HCM đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc công khai và thực hiện nghiêm các quy hoạch đã được phê duyệt; rà soát, điều chỉnh các dự án lớn tại trung tâm các đô thị trước khi triển khai phải tổ chức lấy ý kiến người dân, làm tốt đánh giá tác động để bảo đảm tính khả thi và hợp lý. Đặc biệt quan tâm đến sự phù hợp giữa phân bổ dân cư và kết cấu hạ tầng cơ sở; đề cao và gắn trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lập và triển khai quy hoạch đô thị, xử lý nghiêm các vi phạm.

Cử tri cũng rất bức xúc với việc phê duyệt, đầu tư, quản lý và vận hành các trạm BOT giao thông. Cụ thể, cử tri không đồng tình trước việc đặt các trạm thu phí quá dày, không phù hợp, mức phí quá cao, không hợp lý; việc chỉ định thầu còn sai phạm, thiếu công khai, minh bạch; hệ thống hành lang pháp lý chưa rõ ràng, công tác quản lý nhà nước về dự án BOT còn bộc lộ nhiều hạn chế, gây lãng phí và thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm