Đề nghị công nhận TP Long Xuyên mở rộng đạt đô thị loại I

Ngày 5-5, HĐND tỉnh An Giang khóa IX, nhiệm kỳ 2018-2021 đã tổ chức kỳ họp thứ 13 (kỳ họp bất thường) thông qua nhiều nghị quyết quan trọng.

Trong đó, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Đề án “Đề nghị công nhận TP Long Xuyên mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh An Giang”.

Một góc TP Long Xuyên nhìn từ trên cao. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Theo UBND tỉnh An Giang, TP Long Xuyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, thành phố tỉnh lỵ của tỉnh, có vai trò quan trọng trong vùng ĐBSCL và cả nước (dân số đứng thứ hai vùng ĐBSCL, sau TP Cần Thơ).

Long Xuyên có vị trí chiến lược trong vùng, là điểm giao thoa giữa hai khu vực năng động của vùng đô thị trung tâm và tứ giác Long Xuyên; nằm trong trung tâm của vùng tam giác phát triển bao gồm TP.HCM, Cần Thơ, Phnom Penh và nằm trên các trục hành lang kinh tế đô thị quốc tế, quốc gia.

Ngoài ra, TP Long Xuyên còn có lợi thế kết nối thuận lợi với các vùng của quốc gia, quốc tế bằng đường bộ (quốc lộ 91, cao tốc Bắc Nam phía Tây - cầu Vàm Cống) và đường thủy (sông Hậu). 

TP Long Xuyên được công nhận là đô thị loại II theo Quyết định số 747 ngày 14-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Trải qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay Long Xuyên đã có những bước phát triển vững chắc về mọi mặt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Các công trình phục vụ công cộng và cơ sở kỹ thuật hạ tầng đô thị được đầu tư, xây dựng tương đối đồng bộ, ngày càng hoàn thiện trên nhiều lĩnh vực, tạo bộ mặt đô thị ngày càng khang trang: Xanh, sạch, đẹp.

Bên cạnh đó chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. Không gian đô thị đã được đầu tư và xây dựng tương đối đồng bộ, tỉ lệ đô thị hóa cao, tác động và thúc đẩy đô thị hóa khu vực lân cận sang chuỗi đô thị huyện Thoại Sơn.... 

Theo điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 xác định TP Long Xuyên là đô thị loại I, trung tâm tăng trưởng kinh tế, trung tâm thương mại dịch vụ của tiểu vùng giữa đồng bằng tại khu vực phía Nam sông Hậu. Đây cũng là trung tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ, trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với An Giang, vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Ngoài ra, Quyết định số 1659/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đến năm 2020, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Long Xuyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình phát triển đô thị tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định phát triển TP Long Xuyên trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, trở thành đô thị loại I trước năm 2020.

Với vai trò và tính chất như trên, việc đề nghị công nhận TP Long Xuyên mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh An Giang là cần thiết. 

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh An Giang cũng đã thông qua Nghị quyết về Đề án “Đề nghị công nhận thị trấn Tri Tôn mở rộng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đạt tiêu chí đô thị loại IV”.

 Vĩnh Long có tân chủ tịch tỉnh
Vĩnh Long có tân chủ tịch tỉnh
(PLO)- Ông Lữ Quang Ngời, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, được bầu giữ chức chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2016-2021.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm