Thế lực thù địch đang lợi dụng không gian mạng để chống phá

Chính phủ đang lấy ý kiến dự thảo báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo dự thảo báo cáo, qua công tác nắm tình hình, phòng ngừa đấu tranh cho thấy các tổ chức phản động lưu vong, đối tượng chống đối trong nước tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá, đồng thời triệt để lợi dụng các sự kiện chính trị nhạy cảm, vụ việc gây bức xúc dư luận để kêu gọi, phát động biểu tình, nhằm gây rối an ninh trật tự.

Công ty CP Địa ốc Alibaba được "điểm mặt" trong báo cáo của Chính phủ.

Không gian mạng, nhất là mạng xã hội đang bị các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm triệt để lợi dụng hoạt động chống phá. Tình hình khiếu kiện tuy giảm mạnh về số vụ nhưng vẫn còn rất phức tạp, khó giải quyết dứt điểm, nhất là hoạt động phản đối việc thu phí tại nhiều trạm thu phí BOT, vấn đề xung đột, tranh chấp đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường tại Tây Nguyên...

Về cơ bản các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận trong năm đều được điều tra làm rõ, các vụ xâm hại trẻ em được điều tra, xử lý quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tổ chức tiếp nhận, giải cứu 137 nạn nhân bị mua bán trở về, triệt phá 2.167 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen tạo được chuyển biến tích cực.

Trong năm 2019, toàn quốc xảy ra 39.776 vụ phạm pháp hình sự. Đáng lưu ý, xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo (giết nhiều người, giết người vứt xác, chặt xác, đốt xác, giết phụ nữ và trẻ em...), nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp, ngáo đá gây ra, gây lo lắng trong nhân dân.

Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra nhiều, nhất là tội phạm dâm ô và giao cấu với trẻ em tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội. Đặc biệt xuất hiện thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người dưới hình thức mang thai hộ, mua bán bào thai.

Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra 12.806 dự án (chiếm 25% tổng số dự án thực hiện), tổ chức đánh giá 18.442 dự án có thất thoát, lãng phí với số tiền được phát hiện là 1.100 tỉ đồng tại 13 địa phương.

Với lĩnh vực đất đai, tình trạng lừa đảo bán nhà, đất tại các dự án không có thật diễn ra phức tạp. “Điển hình là Công ty CP Địa ốc Alibaba môi giới bán nhiều dự án “ma” ở Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.HCM, Công ty SANA LAND, Công ty Angel Lina ở TP.HCM môi giới, nhận đặt cọc mua đất, bán nền tại các dự án không có thật...” - dự thảo của Chính phủ dẫn chứng.

Bên cạnh đó, tình trạng tung tin thất thiệt, giả mạo giấy tờ của cơ quan nhà nước để thổi giá đất lên cao gây “bong bóng” bất động sản, đầu cơ, tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua ở các thành phố lớn, các khu đô thị đang quy hoạch như Đà Nẵng, TP.HCM, Kiên Giang, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu...

Trong năm, lực lượng chức năng cũng phát hiện 20.247 vụ, 31.464 đối tượng phạm tội về ma túy (ít hơn 4,11% so với cùng kỳ năm 2018). Thu giữ 1.011,08 kg heroin, 5.995 kg và 855.498 viên ma túy tổng hợp, 610,646 kg thuốc phiện, 768 kg cần sa.

Tuy nhiên, công tác điều tra, xử lý tội phạm còn một số tồn tại, hạn chế như còn xảy ra các trường hợp đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, kết thúc thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can phạm tội.

“Nhiều trường hợp VKS không phê chuẩn các lệnh, quyết định của cơ quan điều tra. Đồng thời vẫn còn các trường hợp bị can, phạm nhân trốn, chết tại trại tạm giam, nhà tạm giữ...” - báo cáo của Chính phủ thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm