CAMPUCHIA DU KÝ - BÀI 1

Thốt nốt giúp nhiều người thoát chết

Giữa tháng 10-2016 vừa qua, tôi theo đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu, gồm 16 anh em đi tham quan Campuchia. Xuất phát từ cửa khẩu thuộc tỉnh Kiên Giang, đoàn chúng tôi có một cuộc hành trình dài hàng ngàn kilômet, bằng đường bộ, qua năm, sáu tỉnh, thành nước bạn: Tà Keo, Ta Khua, Phnôm Pênh, Com Pong Chhnăng, Kom Bông Thom, Xiêm Riệp… Mục tiêu của đoàn là đi tham quan, khám phá nước bạn.

Năm ngày rong ruổi trên đất chùa tháp đã để lại trong tôi thật nhiều ấn tượng.

Cha trồng, đời cháu mới hưởng

Bây giờ là cuối mùa mưa, thời tiết chớm thu mát mẻ nhưng phải cái sớm nắng chiều mưa. Năm nay lũ về ít nhưng tại biên giới Campuchia-Việt Nam đồng ruộng của hai nước ngập chìm trong nước lũ. Lúa và cỏ dại vươn theo nước mà sóng dập dềnh. Nông dân hai nước chạy xuồng máy ra giữa đồng để đánh lưới, giăng câu và thu hoạch cũng khá nhiều cá. Từng đàn trâu quân số đến cả ngàn con thơ thẩn trên những cánh đồng như những bầy trâu hoang. Ở Campuchia đồng rất mênh mông, những chấm phá phía chân trời là những ngọn núi. Đi suốt hàng ngàn kilômet không lúc nào chúng tôi không thấy núi và có một thứ lúc nào cũng nhìn thấy nữa là cây thốt nốt.

Thốt nốt mọc trong núi, trong rừng, giữa bản làng và cả ngoài đồng ruộng. Trong tầm mắt chúng tôi, hậu cảnh là chân trời tím rựu, sau đó đến đồng bằng và trên đó chấm phá những làng xóm với rặng thốt nốt… tạo ra một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp và rất riêng của đất nước Ăngkor. Người được công ty du lịch Campuchia cử đến hướng dẫn đoàn chúng tôi là chị Pô Pha (dịch sang tiếng Việt nghĩa là Hoa Hồng) nói rằng: “Nếu biểu tượng của đất nước Campuchia thể hiện bằng mấy ngọn tháp Ăngkor in trên quốc kỳ thì biểu tượng thân thiết in trong lòng nhân dân Campuchia là cây thốt nốt. Đối với họ cây thốt nốt là cây linh thiêng, đã đi vào thơ, vào nhạc, vào lời ru của mẹ và vào đời sống hằng ngày”.

Vào chớm mùa mưa, trái thốt nốt già rụng xuống, bò, trâu gặm ăn hết phần xơ bên ngoài rồi bỏ phần ruột ở đâu thì cây thốt nốt mọc ở đó. Dù nó mọc ngay mảnh ruộng tốt nhất chuyên để trồng lúa thì người Campuchia cũng không bao giờ nhổ bỏ. Chính vì thế người ta thấy giữa đồng lúa có rất nhiều thốt nốt. Người Campuchia nói rằng: Trồng cây thốt nốt không phải là cha trồng con hưởng mà đến đời cháu mới hưởng. Thường thì trồng 30 năm sau mới bắt đầu hưởng lợi và dòng đời của nó rất dài, tại đền Ăngkor có một cây thốt nốt được tính đã 500 tuổi và xem ra “ông cụ” thốt nốt này còn sống thêm lâu lắm. Chị Pô Pha cũng nói rằng toàn bộ cây thốt nốt từ thân đến lá, rễ đều hữu dụng cho đời sống con người. Đặc biệt đối với nông dân nghèo. Điều này làm tôi chạnh nhớ đến cây dừa nước Nam Bộ và sự hữu dụng của nó trong đời sống nông dân nghèo ĐBSCL.

Đồng bằng mênh mông với những rặng thốt nốt tạo nên một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp.

Chỉ cần một nắm cơm và một ít đường thốt nốt là sống được

Cũng theo lời chị Pô Pha, lúc đất nước Campuchia ở giai đoạn ngặt nghèo nhất của họa diệt chủng, nhiều vùng người dân không có gì để ăn, vậy mà nếu không bị Pôn Pốt giết, người ta vẫn thấy người Campuchia tồn tại, có gia đình còn đẻ 5-6 đứa con. Bởi vì trẻ em Campuchia chỉ cần một nắm cơm và một ít đường thốt nốt là sống được. Chính vì thế nhân dân Campuchia quý cây thốt nốt. Thế mà vào thời Pôn Pốt, bọn diệt chủng đã dùng lá thốt nốt cắt cổ người dân hàng loạt, tạo ra một hình ảnh kinh sợ và phản cảm về cây thốt nốt đến tận bây giờ. Toàn dân Campuchia hơn 14 triệu người thì có hơn 14 triệu người ăn đường thốt nốt, không ai ăn đường mía. Thế cho nên tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường của họ thấp nhất thế giới. Năm 2014, Tổ chức Lương thực Thế giới đã công nhận đường thốt nốt là một loại đường tốt nhất toàn cầu.

Đó là cách quảng bá đất nước mình của chị Pô Pha, chứ tôi thấy tại các thành phố, các khu du lịch ở Campuchia, người ta vẫn bán cà phê, nước ngọt bằng đường cát, có lẽ nó được đưa từ Việt Nam và Thái Lan sang.

Vì chị Pô Pha giới thiệu về cây thốt nốt rất hay nên cả đoàn chúng tôi ai cũng muốn dừng lại để tận mắt xem những xóm làng chuyên trồng và chế biến cây thốt nốt. Thế nhưng mùa này không phải là chính vụ thu hoạch huê lợi cây thốt nốt nên đoàn chúng tôi chỉ được hướng dẫn ăn trái thốt nốt ở chợ Côn Trùng. Đó là những trái tươi, ăn giống trái dừa tươi Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi được ăn mộng thốt nốt (mầm cây) và uống một thứ nước thốt nốt lên men để trong ống tre. Uống vào thấy thơm thơm nồng nồng, lâng lâng như ta ăn cơm rượu Việt Nam.

Vì trái vụ nên chúng tôi không được tận mắt xem cách chế biến đường thốt nốt - một sản phẩm cấp cao của văn hóa ẩm thực Campuchia. Vậy là đành nghe chị Pô Pha kể: “Người Campuchia chọn những bông thốt nốt “đực” rồi cắt bỏ đoạn trên, sau đó lấy dụng cụ hứng thứ nhựa loãng trong các bông ấy. Đó chính là nguyên liệu để chưng cất, nấu thành đường thốt nốt. Đường thốt nốt thành phẩm không đông đặc và có màu vàng hổ phách. Thứ đường ấy mà đem kho thịt hoặc nấu chè thì thơm nức mũi. Và tôi cũng vừa ngộ ra một điều chua chát rằng bấy lâu người Việt Nam sang biên giới hoặc Châu Đốc mua một loại đường đặc nguyên khối, được bó trong lá thốt nốt với tên gọi là đường thốt nốt thì đó chính là đường thốt nốt dỏm. Người làm loại đường này đã pha bột vào cho đường cứng lại rồi dùng hóa chất tẩy cho nó có màu trắng.

Đi vào các khu du lịch Campuchia, tôi nhìn thấy các gian hàng bán quà lưu niệm có rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được chế tác từ trái, thân cây thốt nốt, giống những sản phẩm của xứ dừa Bến Tre - Việt Nam, gồm có đũa ăn cơm, bộ bình ly, lược chải đầu… cũng như cây dừa nước Nam Bộ, lá thốt nốt được nhân dân Campuchia lợp nhà, bện các vật dụng xài trong gia đình và các công cụ đánh bắt tôm, cá. Thân thốt nốt thì được bắc làm cầu, xẻ ra làm xiên nhà…

Trên các bức họa tại đền Ăngkor cung cấp cho con người hôm nay một thông điệp rằng cách đây 1.000 năm, cây thốt nốt đã hữu dụng, thân thiết với con người Campuchia rồi. Nó là một đốm lửa góp thêm ánh sáng để nền văn minh Ăngkor thêm rực rỡ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm