Độc đáo những ngôi trường trăm tuổi ở Sài Gòn

THPT Marie Curie: Nét đẹp cổ kính của ngôi trường trăm tuổi

Khuôn viên nhỏ, xanh mát tách biệt hoàn toàn các lớp học khỏi những ồn ào, xô bồ giữa chốn trung tâm

Marie Curie chính thức bước vào hoạt động, chiêu sinh lần đầu vào năm 1918 dưới thời Pháp thuộc. Trường được đặt theo tên của nhà khoa học nữ gốc Ba Lan - Marie Curie (1867-1934), người nổi tiếng trong việc tiên phongnghiên cứu về tính phóng xạ. Bà là nhà khoa học nữ đầu tiên vinh dự nhận được hai giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau là vật lý và hóa học. Đây còn là ngôi trường duy nhất được giữ lại tên gốc ban đầu do người Pháp đặt ra.

Tượng nhà khoa học nữ Marie Curie được đặt trang trọng ngay giữa trung tâm.

Ban đầu, trường THPT Marie Curie chỉ là nơi giành riêng cho các nữ sinh trung học người Pháp và số ít các con em người Việt có xuất thân quyền quý, giàu có ở Sài Gòn. Thưở mới lập nên, các môn học ban đầu đều được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Pháp và do các giáo viên người Pháp trực tiếp đảm nhận. Thế nên Marie Curie mới được đánh giá cao về mặt chuyên môn cũng như giảng dạy và là niềm ao ước gửi gắm của biết bao gia đình quý tộc lúc bấy giờ.

Nổi bật với nét kiến trúc cổ điển, tiêu biểu cho lối xây dựng theo phong cách Pháp xen lẫn là lối trang trí mang hơi hướng truyền thống Á Đông, trường THPT Marie Curie khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, hết sức thơ mộng dưới những đường nét trang trí, chấm phá tinh tế cao. Dạo bước từ phía cổng chính, ngay trước khu học đường là một khuôn viên nhỏ với bức tượng nhà khoa học Marie Curie đặt trang trọng ở giữa. Khoảng kiến trúc xanh này như để tách biệt trường học với bên ngoài, tạo sự yên tĩnh cho công việc giảng dạy cũng như học tập đạt được kết quả cao nhất.

Ngắm nhìn kỹ các dãy phòng học tại trường, điểm nhấn vô cùng ấn tượng là các hành lang với kiểu cách mái vòm, thiết kế tinh tế, hoà hợp với những hàng cây xanh, mở ra những khoảng không lý tưởng để học tập. Các tông màu đỏ, vàng và trắng là màu chủ đạo của toàn bộ kiến trúc trường THPT Marie Curie tạo một cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái cho học sinh học tập. Khu học đường được thiết kế rộng rãi, chú trọng không gian thoáng đãng. Trường có 8 dãy phòng học chia thành các khu A, B, C, D, E, F, G và H. Khu F lớn nhất với một tòa nhà 4 tầng, nơi đặt các phòng thí nghiệm các bộ môn lý, hóa, sinh, hội trường, phòng lab, tin học. Dãy nhỏ nhất là dãy H với chỉ hai phòng nhỏ.

Năm 1997, trường được chuyển thành trường THPT bán công, cho cả nam lẫn nữ. Trước đây, trường từng là trường THPT lớn nhất Việt Nam với hơn 5000 học sinh mỗi năm, tự hào là nơi đào tạo nênnhiều thế hệ học sinh thành tài suốt gầnmột thế kỷ qua. Đến năm 2007, trường được đổi lại thành trường THPT công lập, giảm dần sĩ số nhằm tăng chất lượng giáo dục. Kiến trúc đậm chất Pháp lưu lại trên cổng chào, từng góc cầu thang gỗ, khu vườn với đài phun nước... vẫn còn đến ngày nay.

Trường THPT Marie Curie được phối với các tông chủ đạo là đỏ, vàng và trắng, vẽ nên một cảm giác nhẹ nhàng, mơn man hết sức thơ mộng của lứa tuổi học trò

Phía sau tượng đài là một khoảng sân rộng, phủ mát bóng cây mang lại cảm giác trong lành thoáng đãng

Lối kiến trúc chủ đạo của trường THPT Marie Curie được thiết kế theo kiểu mái vòm chạy dọc xuyên xuốt theo các dãy hành lang.

Các dãy hành lang mái vòm, dài thênh thang dẫn tới từng phòng học trong trường


Kiểu cửa sổ đặc trưng của lối kiến trúc thời bấy giờ vẫn còn lưu giữ đến ngày nay


Bảng thông tin của khu văn phòng. Tất cả các khung, cửa đều đuợc thiết kế bằng gỗ

Gốc xà cừ cổ thụ trường tồn cùng ngôi trường qua biết bao thời gian, năm tháng. Là chứng nhân của biết bao câu chuyện thiêng liêng thời áo trắng, là người canh giữ chốn bình yên bao năm


Các cô cậu học trò tranh thủ chụp lại những khoảnh khắc thiêng liêng cuối cùng của đời học sinh trong cuốn kỷ yếu

Dù niềm vui Trường THPT Marie Curie vừa được xếp hạng di tích còn rạng ngời, nhưng thầy Hiệu phó Nguyễn Mạnh Hùng vẫn không giấu nỗi ưu tư khi một số hạng mục ở khu C (gồm 15 phòng học) của trường đang bị nghiêng lún. Sở Xây dựng ra hẳn khuyến cáo không cho học sinh đến khu vực này. Dãy khu D trường đang có kế hoạch xây dựng lại bằng dự án kích cầu của nhà nước nhưng vẫn loay hoay chờ các thủ tục để khởi công.

“Làm sao để sau khi xếp hạng di tích, trường học phải được đầu tư khang trang và hoàn thiện, xứng tầm với tên gọi là di tích cấp thành phố, đáp ứng sự mong mỏi của phụ huynh, học sinh và cũng là mong ước của nhà trường, chứ để xuống cấp coi sao được”, thầy Hùng tâm sự.

(Theo Thanh Niên)

Kỳ tới:THCS Hồng Bàng – Di tích kiến trúc nghệ thuật của TP

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới