Thủ Đức cần cơ chế đột phá trở thành cực tăng trưởng mới

(PLO)- Bên cạnh việc phải thêm nhiều tuyến, số kilomet cầu, đường…, TP Thủ Đức cần các chính sách, cơ chế đột phá mạnh hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp, nếu không có cơ chế tạo đột phá thì TP Thủ Đức sẽ khó có động lực để trở thành cực tăng trưởng mới của TP.HCM và vùng lân cận. PV báo Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Hiệp về vấn đề này.

Việc quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ là một trong những động lực thúc đẩy TP Thủ Đức (TP.HCM) phát triển nhanh chóng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Việc quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ là một trong những động lực thúc đẩy
TP Thủ Đức (TP.HCM) phát triển nhanh chóng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Người dân vẫn chưa hài lòng

. Phóng viên: Từ khi chính thức thành lập (1-1-2021) đến nay, TP Thủ Đức gặp những khó khăn gì, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Hữu Hiệp: Đến nay, các lợi thế về tiềm năng và thế mạnh chưa được phát huy tối đa để phục vụ cho sự phát triển của TP Thủ Đức cũng như của TP.HCM và sự kỳ vọng của người dân. Cụ thể, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tuy đã được đầu tư có trọng điểm song còn thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao, chưa tạo được động lực vượt trội phục vụ cho phát triển.

Cạnh đó, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cao, cách mạng công nghiệp 4.0 để phục vụ cho sự quản lý, điều hành và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chưa thực sự mạnh mẽ. Từ đó chưa tạo ra được sự tương tác, kết nối hiệu quả giữa các cực tăng trưởng chủ yếu của TP để tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế tri thức. Vấn đề khác là chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp

Bên cạnh đó, tình trạng đầu cơ đất đai, tạo bong bóng thị trường bất động sản, cũng như sự phát triển của các khu dân cư tự phát trước đây làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển đô thị. Nhiều dự án chưa giải quyết dứt điểm công tác khiếu nại, khiếu kiện đã làm ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án đầu tư mới theo quy hoạch.

Nếu không có cơ chế tạo đột phá thì TP Thủ Đức sẽ khó tạo động lực, cực tăng trưởng mới đúng như kỳ vọng của trung ương và nhân dân TP.

Cần khẳng định vai trò của TP Thủ Đức trong mối liên kết vùng

. Vậy điểm mạnh, lợi thế của TP Thủ Đức là gì, thưa ông?

+ Lợi thế rất lớn của TP Thủ Ðức là gần như nằm ở vị trí trung tâm, hạt nhân của vùng kinh tế mở, phát triển đầy năng động, nhạy bén với bán kính khoảng 50 km thuộc địa bàn kinh tế trọng yếu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

TP Thủ Đức có đủ những tiềm năng, thế mạnh và thuận lợi để bứt phá. Bởi lẽ TP Thủ Ðức có ba lợi thế về công nghệ cao, nguồn nhân lực và trung tâm tài chính. Từ đây sẽ hình thành tam giác phát triển quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển cho TP.HCM. Đó là trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ tại Khu công nghệ cao TP; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao tại khu ĐH Quốc gia TP.HCM; trung tâm thương mại quốc tế dựa trên nền tảng dịch vụ công nghệ cao đồng thời cũng là trung tâm tài chính lớn của cả nước và khu vực Ðông Nam Á tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Song song đó, TP Thủ Ðức có vị trí rất thuận lợi, liên kết vùng với sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai và nhiều tuyến giao thông quan trọng của các địa phương miền Ðông Nam bộ, cửa ngõ giao thương quốc tế; đồng thời là “mắt xích” liên kết chặt chẽ, liên hoàn giữa TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai và tiệm cận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

. Vậy TP Thủ Đức sẽ làm gì để phát triển mạnh và bền vững trong thời gian tới?

+ Ở góc độ chính quyền địa phương, chúng tôi đánh giá để TP Thủ Ðức phát triển nhanh, là động lực thúc đẩy liên kết vùng bền vững, cần có chính sách, giải pháp mang tính đột phá. Trong đó cần có sự đột phá về hạ tầng giao thông kết nối vùng.

Thành ủy TP Thủ Đức nhận ra rằng nếu không có cơ chế tạo đột phá thì mô hình TP Thủ Đức sẽ khó tạo ra động lực, cực tăng trưởng mới cho TP.HCM, vùng lân cận đúng như kỳ vọng của trung ương và nhân dân TP đã đề ra.

. Xin cám ơn ông.

Cần thêm hàng loạt tuyến đường cao tốc, metro

Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, trong năm năm tới cần tập trung mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; xây dựng tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành; tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Cùng với đó, cần tập trung đầu tư, phát triển các đường vành đai kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như các đường vành đai 2, 3 và 4. Trong đó, ít nhất phải khép kín các đường vành đai 2 và 3 trong năm năm tới.

Ðồng thời, nghiên cứu giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng (TOD) đến năm 2040 đáp ứng 50%-60% nhu cầu đi lại của người dân TP Thủ Ðức; mở rộng mạng lưới giao thông đường sắt đô thị với định hướng kéo dài tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên kết nối với các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương.

Trước mắt, cần nghiên cứu giải pháp mở rộng mạng lưới xe buýt, xe buýt nhanh BRT trong TP Thủ Ðức gắn kết với các trung tâm phát triển, các khu dân cư mới và kết nối với tuyến metro số 1 đang hình thành.

Ðồng thời, phát triển mạng lưới giao thông đường thủy để giảm lưu lượng giao thông đường bộ và kết nối với mạng lưới sông lớn trên địa bàn TP Thủ Đức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm