Ngày 26-3, Cục Bản quyền tác giả (trực thuộc Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Cơ quan Bảo vệ bản quyền Hàn Quốc (KCOPA) tổ chức Diễn đàn Bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc năm 2024 tại TP.HCM với chủ đề "Chính sách bản quyền trên môi trường số và phương án hợp tác".
Ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết đã ký hợp tác song phương với khoảng 85 tổ chức tương ứng và phủ sóng chi phối khoảng gần 160 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Qua đó, tất cả âm nhạc của các nước mà VCPMC ký kết song phương vang lên trên lãnh thổ Việt Nam thì VCPMC sẽ chịu trách nhiệm phải thu bản quyền...
"Ngược lại, âm nhạc Việt Nam vang lên tại các nước trên thế giới mà VCPMC đã ký song phương thì các nước có trách nhiệm thu và cuối năm chuyển về lại Việt Nam để chúng ta trả về cho các tác giả Việt Nam. Đây là hợp tác song phương hai chiều rất tốt" – ông Đinh Trung Cẩn nhấn mạnh.
Ông Đinh Trung Cẩn cũng cho biết hiện tại có nhiều người nói với ông rằng nhạc nước ngoài hát tại Việt Nam thì nhiều nhưng ngược lại thì rất ít.
"Thực tế, VTV của chúng ta phủ sóng toàn cầu, âm nhạc trên VTV tất cả các nước bạn đều thu và đều trả về cho chúng ta, những vùng nào có Việt Kiều hát Karaoke đều có tiền trả về" – ông nói thêm.
Nói về KOMCA (Hiệp hội bản quyền âm nhạc Hàn Quốc), ông Đinh Trung Cẩn cho biết VCPMC đã ký kết song phương với KOMCA từ năm 2005 đến nay đã 19 năm.
Thế nhưng, sau khi ký song phương thì việc thu tiền tác quyền vẫn chưa thể thực hiện vì đang trong giai đoạn hoạch định về luật cho chuẩn hơn.
"Từ 2012 đến trước 2024 thì tiền tác quyền do VCPMC thu được khoản 550.000 USD gửi cho Komca. Tuy nhiên, riêng trong quý này của 2024 thì VCPMC chuẩn bị chuyển cho KOMCA là 151.000 USD (gần 4 tỉ đồng) ” – ông Cẩn cho hay.
Giải thích về mức độ tăng vọt tiền tác quyền này, ông Đinh Trung Cẩn cho hay vì gần đây toàn bộ các hoạt động của các nghệ sĩ Hàn đổ vào Việt Nam rất nhiều và có bán vé. Trong đó chủ yếu là tại TP.HCM và Hà Nội.
"Gần như tất cả các chương trình vang lên tại Hà Nội và TP.HCM,Việt Nam và VCPMC đều thực hiện nghiêm túc thực hiện bản quyền" - ông Đinh Trung Cẩn cho hay.
Ngoài ra ông Đinh Trung Cẩn đánh giá cao việc hỗ trợ của phần mềm đối với kiểm soát về vấn đề bản quyền lẫn tác quyền.
"Đối với việc Blackpink qua Việt Nam biểu diễn bây giờ toàn bộ nộp lên cho cơ quan quản lý nhà nước khoảng 30 bài tiếng Hàn. Nếu không có ký kết song phương thì làm sao biết được bài đó thuộc tổ chức của Komca quản lý.
Như vậy chúng tôi có dữ liệu gửi cho KOMCA thông qua đường đối ngoại và khi mở ra chúng tôi sẽ so sánh dữ liệu bài nào thuộc KOMCA.
Trong 20 bài có 18 bài thuộc KOMCA thì VCPMC đại diện Việt Nam ký song phương và ưu tiên 18 bài này. Như vậy chúng ta thấy công nghệ hỗ trợ cho chúng ta rất nhiều trong việc này" – ông Cẩn cho hay.
Ông Đinh Trung Cẩn cũng tiết lộ VCPMC với Mỹ, Pháp, Canada… đều đi theo chiều hướng này.
"VCPMC đã chạy trên chín phần mềm của công nghệ quốc tế từ tương tác, thu và chi trả. Chúng tôi đang chuẩn bị lực lượng kĩ sư tiếp cận đến AI. Đây đã là xu hướng và nếu không nỗ lực, chúng ta sẽ bị lùi lại phía sau. Tôi nghĩ rằng, khi nói đến không gian số, kỹ thuật số, môi trường số nếu như không có công nghệ thì chúng ta không làm được gì cả" – ông Đinh Trung Cẩn nói thêm.