Theo các phương tiện truyền thông phản ánh, mới đây Thanh tra Nhà nước tỉnh Hậu Giang vừa có quyết định thu hồi phụ cấp ưu đãi đứng lớp năm học 2010-2017 đối với giáo viên (GV) làm công tác quản lý của gần 20 trường thuộc huyện Vị Thủy sau khi thanh tra 21 trường ở huyện này.
Lý do thu hồi phụ cấp là số cán bộ quản lý giảng dạy còn thiếu tiết chuẩn nên không được phụ cấp ưu đãi đứng lớp theo Thông tư số 01/2007 của Bộ Tài chính. Hiện mỗi trường ở Vị Thủy đều có 8-10 GV là cán bộ quản lý bị thu hồi phụ cấp ưu đãi với số tiền 9-14 triệu đồng/người tùy mức lương.
Quyết định thu hồi phụ cấp ưu đãi của Thanh tra Nhà nước tỉnh Hậu Giang đã khiến cho nhiều GV kiêm nhiệm chức vụ tổ trưởng, tổ phó và cán bộ quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) của các trường này vô cùng bức xúc. Đâu phải họ muốn dạy thiếu tiết mà là do tình trạng GV dư thừa quá nhiều. Do vậy, hàng loạt GV kiêm nhiệm đã làm đơn xin được từ chức.
Thanh tra Nhà nước tỉnh Hậu Giang thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính là không sai. Nhưng việc đưa các GV kiêm nhiệm các chức danh tổ trưởng, tổ phó vào diện cán bộ quản lý giáo dục (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) là không đúng. Các văn bản quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT và địa phương thì cán bộ quản lý phải là phó hiệu trưởng, hiệu trưởng. Còn tổ trưởng, tổ phó là các chức danh được hiệu trưởng bổ nhiệm từng năm dựa trên cơ sở tín nhiệm, đánh giá cao về kinh nghiệm, năng lực quản lý và chuyên môn của các thành viên trong tổ chuyên môn. Họ được hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,15%-0,25% (tùy vào các bậc học) và được giảm số tiết 1-3 tiết/tuần.
Theo mức lương hiện nay, mỗi tháng tổ trưởng, tổ phó nhận được vài trăm ngàn đồng/người phụ cấp trách nhiệm. Nay chỉ vì họ được hưởng phụ cấp trách nhiệm và dạy không đủ tiết chuẩn theo quy định (do thừa GV) mà lại bị cắt, thu hồi tiền phụ cấp ưu đãi đứng lớp thì họ phản ứng gay gắt là đúng. Ai còn dám làm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn nữa khi chế độ phụ cấp đứng lớp bị thu hồi?
Thiết nghĩ nếu 62 tỉnh, thành còn lại mà áp dụng như Thanh tra Nhà nước tỉnh Hậu Giang thì có đến hàng vạn cán bộ quản lý và giáo viên kiêm nhiệm ở nhiều địa phương cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đa số trường học hiện nay số lượng học sinh, số lớp ít nhưng GV lại dôi dư nhiều. Bài toán tinh giản, sắp xếp lại đội ngũ GV dư thừa ở các địa phương đâu thể giải quyết được một sớm một chiều.
Chính vì vậy, các địa phương, các đoàn thanh tra khi đến thanh tra cần nắm bắt kỹ thực trạng và biết cách vận dụng phù hợp quy định pháp luật để quyền lợi chính đáng của cán bộ quản lý giáo dục và GV kiêm nhiệm không bị ảnh hưởng, giúp họ thêm động lực, trách nhiệm khi làm việc, cống hiến.