Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Không tăng học phí giúp người dân giảm gánh nặng

(PLO)- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, việc không tăng học phí giúp người dân giảm gánh nặng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 5-8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, việc không tăng học phí giúp người dân giảm gánh nặng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trả lời báo chí chiều 5-8. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trả lời báo chí chiều 5-8. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về lo lắng của các trường đại học sau 3 năm liên tiếp không tăng học phí, Thứ trưởng Sơn cho biết, học phí không phải là nguồn duy nhất và chính sách học phí không phải là duy nhất. Tuy nhiên, học phí đại học chiếm tỉ trọng lớn từ 50%-90%.

“Năm học 2023 - 2024 không tăng học phí là thách thức lớn cho các trường”, Thứ trưởng nhận định.

Nói thêm, ông Sơn cho rằng giáo dục phổ thông mang tính phúc lợi, do ngân sách nhà nước đảm bảo nên bày tỏ mong muốn địa phương quan tâm giúp giáo viên yên tâm làm nghề, khắc phục và giảm thiểu hiện tượng giáo viên nghỉ việc.

Trường đại học đóng vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lực khoa học công nghệ, có sứ mệnh thực hiện một trong ba đột phá chiến lược. Đây cũng là lĩnh vực chịu tác động lớn trong ba năm qua do đại dịch COVID-19 và các vấn đề khác, chịu sức ép cạnh tranh toàn cầu.

Mặt khác, các chính sách về học phí (Nghị định 60 và Nghị định 81) hiện chưa thực hiện được. Nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học không tăng trong ba năm nay. Trong điều kiện giá cả tăng, đây là thách thức lớn để giữ chân đội ngũ giảng viên, giáo viên.

Để hỗ trợ các trường, Bộ GD&ĐT nỗ lực đảm bảo chi thường xuyên cho giáo dục đại học, chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đại học.

Bộ cũng sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các trường trong bối cảnh khó khăn 3 năm liền không tăng học phí, giống như hỗ trợ doanh nghiệp.

Việc không tăng học phí năm học 2023 - 2024 không tác động, ảnh hưởng nhiều đến giáo dục phổ thông, bởi đây không phải nguồn thu chính của cấp học này.

Trước đó, nhiều trường đại học than khó trong việc cân đối tài chính vì 3 năm liên tiếp Chính phủ yêu cầu các đơn vị không tăng học phí.

Không chỉ vậy, các trường còn nêu, từ sau 1-7, Chính phủ tăng 20,8% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức giảng viên từ 1.490.000 đồng/tháng lên mức 1.800.000 đồng/tháng. Để đáp ứng chính sách tăng lương cho giảng viên theo quy định chung, các trường đều phải dự chi ngân sách mỗi năm sẽ tăng lên vài chục tỷ đồng.

Mức thu học phí không tăng nhưng lương giảng viên, nhân viên lại tăng khiến ngân sách trường ngày càng eo hẹp.

Để ứng phó với tình hình khó khăn này, hầu hết các trường quyết định cắt giảm tối đa các hoạt động chưa thật sự cần thiết, giảm chi tiêu để duy trì hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, trong đó duy trì lương ổn định cho giảng viên là bài toán quan trọng nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm