Chiều 27-10, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng. Trong đó, đa số các đại biểu đều thắc mắc về độ tuổi nghỉ hưu giữa quân nhân chuyên nghiệp và sĩ quan chỉ huy chênh nhau, thậm chí tuổi hưu của sĩ quan chỉ huy còn thấp hơn 2-4 tuổi.
Theo dự thảo luật, quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm là: Cấp úy quân nhân chuyên nghiệp: Nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp, trung tá quân nhân chuyên nghiệp: Nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: Nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.
Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM, Trung tướng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết lâu nay đối tượng quân nhân chuyên nghiệp mới chỉ được nhắc đến trong Luật Nghĩa vụ quân sự và Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi lại không có đối tượng này; tương tự Luât Sĩ quan cũng vậy. Do đó, để đồng bộ về về luật, đáp ứng yêu cầu chính quy của quân đội cần phải có luật riêng cho đối tượng quân nhân chuyên nghiệp. Bởi đây là lực lượng nòng cốt chuyên môn trong quân đội, chủ yếu nằm ở các quân binh chủng. Trước đây lực lượng này nằm chung với sĩ quan nhưng giờ tách ra để khẳng định vị trí chức năng, nhiệm vụ và đảm bảo chế độ chính sách, động viện vận dụng quân nhân chuyên nghiệp.
Trung tướng Bế Xuân Trường.
Trung tướng Bế Xuân Trường cho hay theo quy đinh hiện hành, quân nhân công tác trong quân đội 20-25 năm sẽ cho về hưu, tuy nhiên điều này rất lãng phí. Do chưa có luật nên lâu nay các đơn vị quân đội cứ theo danh sách quân nhân nào đủ 25 năm là duyệt về hưu bất kể là người đó vẫn đủ sức khỏe, chuyên môn. Thậm chí có những người nhập ngũ năm 18 tuổi nhưng đến 40 tuổi là phải về hưu hoặc chuyển ngành.
Những người này có chuyên môn sâu, được đào tạo bài bản và có thể tiếp tục phục vụ quân ngũ nhưng lại về nghỉ sớm. “Nếu để các quân nhân này về hưu sớm là quá lãng phí nhân lực, trình độ, tài năng. Do đó, Bộ Quốc phòng đề nghị tăng độ tuổi để tận dụng chuyên môn, sức khỏe. Nếu quân nhân chuyên nghiệp có học hàm học vị sẽ cho chuyển qua sĩ quan quản lý để phát huy, tạo nên sức mạnh, giải quyết được vướng mắc lâu nay” - Trung tướng Trường lý giải.
Đối với những trường hợp cá biệt công việc như chiến đấu viên đặc công, trinh sát, chống khủng bố,… Ông Trường cho rằng cần giới hạn tuổi 35-40, bởi đây là công việc đòi hỏi sự trẻ trung, sức khỏe và nhanh nhẹn. “Công việc chiến đấu thì không thể duy trì lực lượng lớn tuổi. Vì vậy với trường hợp các chiến đấu viên có thể vận dụng cơ chế đủ 20 tuổi quân và 50 tuổi đời để về hưu hoặc được xem xét để chuyển sang đảm nhiệm chức danh khác” - ông Trường cho hay.
Theo tướng Trường, số lượng quân nhân chuyên nghiệp hiện nay không nhiều và được sắp xếp hợp lý; phần lớn tập trung ở các đơn vị chuyên môn, kỹ thuật như hải quân, rada, thông tin liên lạc, hậu cần,… không trực tiếp tham gia chiến đấu; trong khi đó sĩ quan chỉ huy phải trực tiếp cầm quân ra chiến đấu.
Vì vậy nếu kéo dài tuổi hưu của sĩ quan chỉ huy sẽ khiến họ gặp khó khăn trong công tác chiến đấu. Do đó, ban soạn thảo đề xuất tuổi hưu của quân nhân chuyên nghiệp cao hơn sĩ quan chỉ huy cùng quân hàm. Cụ thể, mức tuổi hưu cho thượng tá chuyên nghiệp là 56, trong khi theo quy định sĩ quan chỉ huy là 54 tuổi.