Thứ trưởng lưu ý khi chứng khoán 'quá hưng phấn'

Tại buổi tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp, kênh đầu tư sinh lời và tích sản" tổ chức ngày 18-11, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính đã chia sẻ những cơ sở định hướng tương lai của thị trường chứng khoán phát triển trong tương lai 5 -10 năm tới và xa hơn nữa.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang cùng với các bộ ngành báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển Thị trường Chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo ông, quan điểm phát triển thị trường cần nói đến phát triển thị trường một cách đồng bộ, thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế. Từ đó đảm bảo liên kết giữa thị trường tài chính với thị trường tiền tệ, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của thị trường trên cơ sở chú trọng ứng dụng công nghệ, yêu cầu về chuyển đổi số của nền kinh tế.

"Quản lý giám sát thị trường trên cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường, đảm bảo minh bạch, an toàn và bền vững. Nhà nước quản lý thị trường bằng pháp luật, bằng khuôn khổ pháp lý" - Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế

Mục tiêu được đưa ra là xây dựng thị trường chứng khoán thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế, hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng thương mại. Trước đây, khi chưa có thị trường chứng khoán thì toàn bộ kênh dẫn vốn từ ngắn hạn, trung và dài hạn đều đặt lên vai của hệ thống ngân hàng thương mại.

Cụ thể, thị trường sẽ phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và tính thanh khoản của thị trường, trong đó phấn đấu đưa thị trường cổ phiếu đạt 85% GDP đã điều chỉnh vào năm 2025 và đạt 110% GDP vào năm 2030.

Đối với trái phiếu, hướng tới mục tiêu 47% GDP vào năm 2025 và 58% GDP vào năm 2030. Về tốc độ tăng trưởng qui mô giao dịch của chứng khoán phát sinh thì đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng 20-30%/năm, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025 và 8% năm 2030.

Để tổ chức thị trường một cách hiệu quả, cơ cấu lại mô hình công ty mẹ - công ty con trong đó có Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Thủ tướng và Bộ Tài chính đã có quyết định để chuẩn bị cho mô hình Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động sớm nhất.

Theo đó, tổ chức lại Trung tâm Lưu ký chứng khoán thành Tổng công ty Lưu ký chứng khoán và thanh toán bù trừ, đồng bộ công nghệ giao dịch và thanh toán chứng khoán, hướng đến việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trước năm 2025 theo tiêu chuẩn MSCI, FTSE.

Thì trường chứng khoán Việt Nam vươn ra biển lớn

Đánh giá về mục tiêu nâng cao của các định chế trung gian trên thị trường, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: Thị trường chứng khoán 10 năm tới hướng đến việc củng cố và nâng cao năng lực của các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, đưa vào các dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực của các hiệp hội nghề nghiệp…

Đồng thời, Thứ trưởng cho rằng cần thực thi chính sách pháp luật, thị trường vận hành an toàn lành mạnh, nâng cao năng lực quản lý giám sát công nghệ số. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành trong kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, đảm bảo thị trường vận hành công khai, minh bạch, tuân thu nghiêm các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của tất cả các bên khi tham gia thị trường.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ chủ động hội nhập thị trường thế giới, trở thành 1 trong 4 thị trường lớn khu vực ASEAN.

Đối với kế hoạch trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, ông Nguyễn Đức Chi cho rằng bên cạnh những yếu tố tích cực, chúng ta không nên quá lạc quan mà cần phải đánh giá và nhận diện các rủi ro.

Trong đó, rủi ro về giá cả nguyên nhiên vật liệu trên thế giới, logistics đều tăng ở mức cao. Thị trường lao động sau đại dịch có xáo trộn, bản thân nội tại thị trường chứng khoán khi quá hưng phấn thì giao dịch ký quỹ tăng lên rồi tăng trưởng của thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ nếu không có phương pháp quản lý đúng đắn thì cũng có rủi ro…

"Về các giải pháp để phát triển thị trường chứng khoán bền vững thì cần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, hệ thống tài chính cần phải được củng cố", ông nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm