Thủ tướng: Các bộ, ngành cần triển khai chính sách giảm chi phí cho học sinh và phụ huynh

(PLO)-  Thủ tướng yêu cầu cơ quan liên quan tích cực đề xuất cấp có thầm quyền điều chỉnh thuế đối với xăng dầu; nghiên cứu, tiến hành thận trọng chính sách hỗ trợ về xăng dầu với một số đối tượng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 4-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, 6 tháng năm 2022 và triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Tuyệt đối không chủ quan

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 6 tháng qua, dù trong điều kiện khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ, chúng ta vẫn đạt một số kết quả rất tích cực trên các lĩnh vực.

Thủ tướng Phạm.Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm.Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: VGP

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm trong điều kiện khó khăn; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; vấn đề môi trường được coi trọng; vai trò, vị trí, uy tín của đất nước được củng cố, tăng cường.

Những thành tựu, kết quả của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định, thể hiện góc nhìn tích cực đối với Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế.

Chỉ số "Chất lượng sống" của Việt Nam đạt 78,49 điểm, xếp vị trí 62/165, tăng 39 bậc chỉ sau 1 năm.

Chỉ số công khai minh bạch ngân sách năm 2021 tăng 9 bậc so với 2019, xếp thứ 68/120 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, đóng góp quan trọng của các bộ, ngành, địa phương vào kết quả chung.

Trong đó, nhiều địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt tăng trưởng cao, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ đánh giá tình hình thế giới còn tiềm ẩn nhiều biến động và rủi ro, tác động tới Việt Nam như giá cả xăng dầu, lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ.

Cạnh đó, việc giải ngân đầu tư công còn nhiều vướng mắc, bất cập. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Thu hút đăng ký vốn FDI nếu không cải thiện tốt hơn sẽ ảnh hưởng tới trung và dài hạn. Việc lập các quy hoạch chậm so với yêu cầu...

Đánh giá nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm là rất nặng nề, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo chung là tuyệt đối không chủ quan, lơ là, luôn giữ vững nguyên tắc cơ bản nhưng chủ động, linh hoạt, sáng tạo, biến nguy thành cơ, tận dụng tốt cơ hội để phát triển bền vững.

“Thông điệp chính là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương trong giai đoạn hiện nay”- Thủ tướng nói.

Phấn đấu tăng trưởng đạt 7% trong năm 2022

Tại hội nghị, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, xây dựng Đề án bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động cập nhật các kịch bản tăng trưởng. Các ý kiến tại Hội nghị thống nhất với phương án, kịch bản tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 7% trong năm nay.

Thủ tướng lưu ý thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn và thận trọng, bảo đảm ổn định tỷ giá, lãi suất, thị trường ngoại hối, tiền tệ, tín dụng, tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng. Đặc biệt, cố gắng giảm lãi suất cho vay; đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu.

Thủ tướng yêu cầu ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa, thực hiện chính sách sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả, như phí, thuế, lệ phí, tăng đầu tư công…. Tích cực báo cáo, đề xuất cấp có thầm quyền điều chỉnh thuế đối với xăng dầu. Nghiên cứu, tiến hành thận trọng chính sách hỗ trợ về xăng dầu với một số đối tượng.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu bảo đảm ổn định và phát triển lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Cùng với đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Quản lý chặt chẽ giá cả, phòng chống đầu cơ, tích trữ găm hàng; bảo đảm nguồn cung xăng dầu, năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, sử dụng tiết kiệm năng lượng, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu...

Giảm chi phí cho học sinh và phụ huynh

Thủ tướng yêu cầu triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các nghị quyết về phát triển vùng và các dự án giao thông trọng điểm. Khẩn trương xây dựng Đề án huy động nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển; danh mục các dự án thuộc Chương trình phục hồi, phát triển trong lĩnh vực y tế...

Tập trung tổ chức tốt kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; hoàn thiện phương án đối với môn Lịch sử ở cấp THPT.

Ban hành chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Với vấn đề học phí và giá sách giáo khoa, tinh thần chung là giảm chi phí cho học sinh và phụ huynh.

Thủ tướng cũng lưu ý quan tâm giải quyết vấn đề môi trường, đẩy nhanh tiến độ xây dựng pháp luật liên quan đến quản lý tài nguyên, nhất là về đất đai. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng tiêu cực, tiếp công dân và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt mức ấn tượng, kinh tế đang phục hồi toàn diện. 44/63 tỉnh, thành phố tăng trưởng trên 6% cho thấy sự tăng trưởng đồng đều ở các khu vực và địa phương.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng 2,44%. Các cân đối lớn được bảo đảm.

Số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 6 tháng là gần 117.000 DN (lần đầu tiên vượt mốc 100.000 doanh nghiệp).

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 7,4 triệu đồng/tháng, tăng 417.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Từ tháng 7-2021 đến nay, đã hỗ trợ hơn 81.000 tỉ đồng cho trên 49,7 triệu lao động và gần 730.000 người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68, 126, 116 của Chính phủ.

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo được đẩy mạnh, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư công và nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng.

Đặc biệt, chúng ta đã tiết kiệm chi, bố trí, cân đối các nguồn lực, trình các cấp có thẩm quyền cho phép theo quy trình chặt chẽ, tổ chức triển khai chương trình phục hồi và phát triển...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm