Thủ tướng: Cương quyết loại bỏ lợi ích cục bộ trong thủ tục hành chính

(PLO)- Thủ tướng yêu cầu phát huy tinh thần chủ động, tính sáng tạo, cương quyết loại bỏ lợi ích cục bộ trong cải cách thủ tục hành chính.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 15-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).

Hội nghị do Văn phòng Chính phủ tổ chức, được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, các quận, huyện, thị xã trên toàn quốc.

Nếu không cải cách sẽ tụt hậu

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá chiến lược, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả; chú trọng tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Để việc cải cách TTHC đạt hiệu quả phải có quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt; có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược và luôn đổi mới; phải luôn xác định “trụ cột, động lực” của cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành thời gian tới là chuyển đổi số.

“Nếu không nỗ lực đẩy mạnh cải cách TTHC, hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành thì chúng ta sẽ tụt hậu trong lúc chúng ta phải tận dụng mọi thời cơ để vươn lên” - Thủ tướng phát biểu.

Theo Thủ tướng, phát huy tinh thần chủ động, tính sáng tạo, cương quyết loại bỏ lợi ích cục bộ với với phương châm “lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực” và “lấy sự hài lòng của người dân và DN để đánh giá hiệu quả thực hiện”.

“Cải cách TTHC phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; nói phải đi đôi với làm và phải có kết quả cụ thể; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để giảm tầng nấc, khâu trung gian; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao vai trò người đứng đầu” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Hơn 1.700 quy định được cắt giảm, đơn giản hóa

Trong năm 2021 và tám tháng năm 2022 đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.758/17.687 quy định tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Có hơn 1.100 quy định kinh doanh đã được phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa; 699/5.187 TTHC đã được phê duyệt phương án phân cấp giải quyết.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại hội nghị. Ảnh: VGP

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại hội nghị. Ảnh: VGP

Cả nước hiện có 11.699 bộ phận một cửa các cấp (57 trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh). 53/63 địa phương đã hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử. Đã cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hơn 129,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hai lần so với cùng kỳ năm 2021).

Trong tám tháng năm 2022, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên trục liên thông văn bản quốc gia là trên 3,56 triệu văn bản…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ TRẦN VĂN SƠN báo cáo tại hội nghị

Hướng tới các dịch vụ công theo phương thức “3 không”

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt trước ngày 30-9 hằng năm. “Trong quá trình rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC phải tham khảo, lấy ý kiến của người dân, DN để đáp ứng yêu cầu, đảm bảo khả thi, hiệu quả” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng lưu ý xã hội hóa một số công đoạn trong tiếp nhận, trả kết quả TTHC, hỗ trợ việc thực hiện TTHC tại bộ phận một cửa các cấp để tất cả người dân, nhất là những người yếu thế, ở vùng nông thôn, biên giới, hải đảo có thể làm được dịch vụ công trực tuyến.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu đạt một số chỉ tiêu cụ thể. Nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện TTHC, trong đó đến năm 2023 đạt trên 80%, năm 2025 đạt trên 90% mức độ hài lòng. Tỉ lệ giải quyết đúng hạn tại trung tâm phục vụ hành chính công phải đạt trên 90%.

Đến cuối năm 2023, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải đạt 50%, hướng tới hầu hết các dịch vụ công phải được thực hiện theo phương thức “3 không”, là không giấy tờ - không tiền mặt - không văn phòng.

Đến cuối năm 2022, 100% thủ tục hồ sơ tiếp nhận phải được xử lý, cập nhật trạng thái trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và đồng bộ 100% trạng thái hồ sơ lên cổng dịch vụ công quốc gia.

Thủ tướng lưu ý đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại các cấp chính quyền.

“Đến cuối tháng 6-2023, tỉ lệ hồ sơ xử lý công văn, giấy tờ trực tuyến ở các bộ, ngành trung ương và cơ quan hành chính cấp tỉnh phải đạt 100%” - Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, khẩn trương khắc phục những lỗ hổng bảo mật, lộ, lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân...

Quyết liệt hoàn thành cổng dịch vụ công TP.HCM

Trong khuôn khổ hội nghị, phát biểu tại đầu cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết vừa qua TP đã triển khai tháng cao điểm hành động tiếp nhận và giải quyết TTHC trong ngày với khoảng 700.000 hồ sơ. TP đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục phát huy kết quả này đến cuối năm.

Theo ông Mãi, TP đang rà soát những quy định, lập danh mục hồ sơ, thủ tục sắp tới sẽ giải quyết trong ngày, chứ không phải tới tuần cao điểm, tháng cao điểm mới làm mà đây là công việc thường xuyên.

Kiến nghị với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn giữa bộ, ngành nên có sự thống nhất về quy chế, quy định, quy trình, cơ sở dữ liệu và hạ tầng để các địa phương dễ thực hiện. Đồng thời, đề nghị khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần đa dạng hình thức, cách thức thực hiện và thành phần hồ sơ để cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho hay TP đang tập trung quyết liệt để tháng 10 này hoàn thành xong cổng dịch vụ công TP kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia… LÊ THOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm