Thủ tướng: Điều chỉnh quan hệ đất đai phải coi trọng yếu tố thị trường

Sáng 14-2, tại trụ sở Chính phủ, Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai đã tổ chức hội nghị lần thứ tư.

Đất đai: Vấn đề nhạy cảm, toàn xã hội quan tâm

Thời gian qua, thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị, Thường trực BCĐ đã tổ chức khảo sát, làm việc, lấy ý kiến với các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương. 

Tại hội nghị, Thường trực BCĐ báo cáo cụ thể những nội dung đã làm được, những nội dung chưa làm được, những vấn đề cần xin ý kiến của BCĐ. Các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề nhằm phát huy nguồn lực từ đất đai, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Đất đai bảo đảm đồng bộ với các luật có liên quan, phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam. Ảnh: VGP

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đất đai là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, mọi người dân.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu việc tổng kết cần tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời giải quyết được các vấn đề có tính chất cụ thể, ngắn hạn trong từng giai đoạn, giải phóng tối đa, khai thác, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai phục vụ phát triển đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhất là góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân

Thủ tướng nhấn mạnh một số nguyên tắc rất cơ bản là việc sửa đổi Luật Đất đai bảo đảm đồng bộ với các luật có liên quan; phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam. Việc điều chỉnh các quan hệ đất đai phải coi trọng hơn nữa vai trò của thị trường.

Các chính sách được ban hành không thể bao phủ toàn bộ các góc cạnh của cuộc sống nhưng cần tháo gỡ được các khó khăn, ách tắc trong thực tế cả về thể chế và khâu tổ chức thực hiện; tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý đất đai theo hướng ai làm tốt hơn thì giao nhiệm vụ, cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực thực thi của các cấp và đội ngũ cán bộ, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp…

Với các vấn đề còn ý kiến khác nhau, Thủ tướng nêu rõ phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, khuyến khích và lắng nghe các ý kiến phản biện từ nhiều góc cạnh. Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Những vấn đề có lý, có tình nhưng chưa có sự đồng thuận cao, chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Với những vướng mắc về thể chế, cần nêu rõ vướng mắc ở đâu, chủ thể nào, đối tượng nào bị ảnh hưởng nhiều nhất, khi đưa ra chính sách mới cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, đánh giá tác động hết sức chặt chẽ, toàn diện, bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống, thực hiện có hiệu quả.

Thủ tướng lưu ý việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, bảo đảm cuộc sống người dân phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước…

Góc nhìn

“Món nợ an dân” kéo dài 2 nhiệm kỳ

“Đất đai là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, mọi người dân”.

Nhận định này của Thủ tướng Phạm Minh Chính được đưa ra tại Hội nghị lần thứ tư của Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 19 của Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại diễn ra ngày 14-2.

Câu nhận định trên không mới, nó kéo dài gần 10 năm nay, trải qua hai nhiệm kỳ và đã trở thành quá quen thuộc.

Sau Nghị quyết số 19 nói trên, Luật Đất đai 2013 ra đời với những kỳ vọng về một cơ sở pháp luật giải quyết những vướng mắc, bức xúc của nhân dân liên quan đến đất đai.

Nhưng thực tế, những biến tướng trong áp dụng pháp luật về đất đai khiến nhiều vụ việc kéo dài như thách thức tính nhân văn của pháp luật, định hướng đúng đắn của Đảng. Thật không thể tả hết những khốn khó của những người dân khi mất đất. Tất cả thực tế này thậm chí còn được thừa nhận công khai tại các báo cáo về khiếu nại, tố cáo.

Khổ một nỗi, những khiếu nại đã được giải quyết hết thẩm quyền, hết quy định của pháp luật lại được nại ra như là một trong những nguyên nhân chủ yếu của khiếu kiện kéo dài. Vô hình trung, những ung nhọt từ các sai phạm về đất đai không phải lúc nào cũng có điều kiện giải quyết triệt để.

Đặc biệt, phải kể đến những chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Đất đai 2013 với các luật được ban hành sau thời điểm Luật Đất đai ra đời mà ngay cả Quốc hội hay Chính phủ cũng đã nhận diện ra từ nhiều năm nay. Trong khi đó, tháng 5-2020, việc sửa Luật Đất đai 2013 lẽ ra được tiến hành thì lại bị lùi sang nhiệm kỳ này dù trước đó đã có hàng loạt tổng kết công phu.

Nhiệm kỳ này đặt sửa đổi Luật Đất đai 2013 là một nhiệm vụ trọng tâm. Không phải không có những lo ngại. Nhưng phải nói rằng sự vào cuộc của các cơ quan hữu quan như Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ TN&MT, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng làm cho lo ngại trở nên thứ yếu. Các vấn đề về chồng chéo pháp luật, thu hồi đất, giao đất cho doanh nghiệp, tài chính đất đai, quyền sở hữu đất đai… đã được nhận diện ở cấp trung ương.

Chúng ta có quyền tin tưởng rằng chẳng những các vấn đề về đất đai có thể được giải quyết mà các sai phạm về đất đai sẽ được ngăn chặn, hạn chế… Còn người dân sẽ thuận tình trong sử dụng đất đai, cán bộ sẽ không mắc phải sai phạm để “vào lò” hoặc “người vừa làm, vừa run, vừa lo ngay ngáy”.

CHÂN LUẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm