Thủ tướng dự hội nghị toàn quốc về phòng chống ma túy

(PLO)- Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát Phòng chống ma túy, thời gian qua Việt Nam đã phá nhiều chuyên án lớn...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-3, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống ma túy. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.

TP.HCM và tuyến biên giới phía nam là địa bàn “nóng” về ma túy

Theo Bộ Công an, thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thu nhập giảm, dẫn đến đời sống người dân khó khăn, tội phạm nảy sinh, trong đó có tội phạm ma túy.

Các quốc gia nhận thấy có sự gia tăng thẩm lậu ma túy vào khu vực Đông Nam Á.

Riêng ở Việt Nam, tội phạm ma túy chuyển hướng, gia tăng hoạt động trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia. TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang trở thành “địa bàn nóng” về tội phạm ma túy.

Thủ tướng dự, chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: H.B

Thủ tướng dự, chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: H.B

Ma túy chủ yếu từ nước ngoài được mua bán, vận chuyển trái phép với số lượng ngày càng lớn về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba, tập trung trên một số tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không, bưu điện… Thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều dạng ma túy mới.

Ma túy núp bóng các sản phẩm đồ uống, ngụy trang dưới danh nghĩa thực phẩm, thuốc lá thế hệ mới. Việc sử dụng ma túy tổng hợp trong thanh thiếu niên tăng nhanh, nhất là việc mua bán và sử dụng “bóng cười”, cùng với các loại ma túy được tẩm vào thực phẩm, nước uống và thuốc lá điện tử gia tăng phức tạp, gây mất trật tự xã hội, lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

Trong khi đó, tình hình mua bán, tàng trữ và tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng ma túy trái phép tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Tình trạng người sử dụng chất ma túy trái phép, người nghiện ma túy ở ngoài xã hội, không được theo dõi, quản lý đã gây ra nhiều vụ phạm pháp hình sự, trong đó đáng chú ý là số đối tượng “ngáo đá” bị rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi gây ra các vụ giết người, cố ý gây thương tích, tai nạn giao thông… đặc biệt nghiêm trọng, làm chết, bị thương nhiều người.

Trước những tác động tiêu cực của ma túy đến đời sống xã hội, Bộ Công an, với vai trò Cơ quan Thường trực phòng, chống ma túy của Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tham mưu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Cả hệ thống chính trị “tuyên chiến” với ma túy

Sau khi Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, tháng 3-2021, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống ma túy cùng nhiều văn bản quan trọng khác về ma túy, công tác phòng, chống ma túy năm 2022 đã đạt được những kết quả quan trọng.

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: H.B

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: H.B

Nhiều lực lượng chuyên trách của Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan đã phối hợp, hiệp đồng, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm ma túy được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma túy cơ bản được ngăn chặn. Công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy có nhiều chuyển biến tích cực.

Công tác rà soát, thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc được quan tâm, chỉ đạo và thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy được tăng cường mở rộng, góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Bộ Công an đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Phương án nghiệp vụ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm. Triển khai thực hiện các Hiệp định song phương, đa phương và các Bản ghi nhớ hợp tác phòng, chống ma túy với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam…góp phần tạo chuyển biến tích cực về trật tự an toàn xã hội, kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.

Cùng với sự vào của của các bộ, ngành, địa phương, năm 2022, các lực lượng chuyên trách đấu tranh chống tội phạm ma túy của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính đã phối hợp, hiệp đồng phát hiện hiện, bắt giữ 26.967 vụ, 41.308 đối tượng phạm tội về ma túy. Thu giữ 809 kg heroin; 6,1 tấn ma túy tổng hợp, 867 kg cần sa và trên 1 tấn ma túy khác; triệt xóa 417 điểm, 43 tụ điểm phức tạp về ma túy; đấu tranh 1.563 vụ lợi dụng cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm để sử dụng ma túy.

Dự báo thời gian tới, tình hình hoạt động tội phạm ma túy trên toàn quốc chịu nhiều tác động của tình hình tội phạm ma túy trong khu vực và trên thế giới.

Về “nguồn cung” ma túy, các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia sẽ gia tăng hoạt động để giải quyết “nguồn cung” ma túy “tồn dư” sau đại dịch Covid-19.

Các đối tượng trong và ngoài nước sẽ câu kết với nhau, tạo thành những đường dây, nhóm tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia; lợi dụng triệt để các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những sơ hở trong việc kiểm soát biên giới, chính sách tạo điều kiện thông thoáng về logistics, hải quan trong phát triển, giao thương hàng hóa hậu Covid-19 để gia tăng vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vào nước ta tiêu thụ, hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ 3 qua đường bộ, đường biển, đường hàng không.

Về “nguồn cầu” ma túy: Tình hình tội phạm mua bán lẻ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy gia tăng phức tạp, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm, nguy cơ hình thành điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Số người nghiện và người sử dụng trái phép các chất ma túy ở trong nước còn cao, tiếp tục gia tăng, phần lớn ở ngoài cộng đồng, ngày càng tập trung vào giới trẻ, thanh thiếu niên, có xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp và các loại ma túy mới thay thế các loại ma túy truyền thống; hiệu quả công tác cai nghiện còn nhiều hạn chế. Tình trạng đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần, “ngáo đá” thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hoặc đối tượng nghiện ma túy vi phạm pháp luật có nguy cơ gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường... Vì vậy, công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy sẽ đặt ra những thách thức và nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.

Đưa công tác phòng chống ma túy vào học đường

Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới, Bộ Công an - Cơ quan Thường trực phòng, chống ma túy đề nghị các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại tướng Tô Lâm tại hội nghị. Ảnh: H,B

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại tướng Tô Lâm tại hội nghị. Ảnh: H,B

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Quốc gia về công tác phòng, chống ma túy. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy.

Tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng, chống ma túy tại các đơn vị, địa phương; gắn với kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống ma túy; tổ chức giao ban Cơ quan Thường trực phòng, chống ma túy các đơn vị, địa phương; duy trì các hoạt động và phát huy vai trò của Tổ chuyên viên liên ngành phòng, chống ma túy của Ủy ban Quốc gia.

Về tuyên truyền, cần đa dạng hóa các nội dung, hình thức và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác tuyên truyền; tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, các nhóm nguy cơ cao, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên; phổ biến, nhân rộng các mô hình điểm. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên, nhất là phóng viên các cơ quan báo, đài, truyền thông.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định cấm học sinh, sinh viên sử dụng thuốc lá (trong đó có cả thuốc lá điện tử). Đưa công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống ma túy (trong đó có các loại ma túy “tẩm ướp”, “pha trộn”) vào nội dung giảng dạy chính khóa.

Tăng cường công tác quản lý đối tượng liên quan đến ma túy; thực hiện hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy; các giải pháp giữ vững số xã, phường, trị trấn không có ma túy; giảm số xã, phường, thị trấn có ma túy và trọng điểm về ma túy.

Tổ chức tốt việc quản lý người nghiện và các mô hình giúp đỡ người nghiện. Đẩy mạnh hợp tác hiệu quả thực chất về phòng, chống ma túy với lực lượng chức năng và các tỉnh đối biên của Trung Quốc, Lào và Campuchia theo mô hình “4 cấp” từ Trung ương đến cơ sở; thực hiện có hiệu quả các chương trình, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ; đặc biệt là Bản Ghi nhớ về hợp tác phòng, chống ma túy với Bộ Công an Lào; tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin tội phạm; tổ chức tuần tra chung khu vực biên giới phối hợp đấu tranh chuyên án, ngăn chặn hoạt động vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới.

Hiện cả nước có 97 cơ sở cai nghiện công lập, công suất mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu cai nghiện. Công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định mới còn nhiều vướng mắc do thiếu cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện.

Hệ thống cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện chưa đáp ứng được yêu cầu.

Hiện nay cả nước có 128 cơ sở y tế cấp tỉnh, 683 cơ sở y tế cấp huyện, 2.915 cơ sở y tế cấp xã đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện. Số cơ sở trên chỉ đáp ứng được 27,5% so với yêu cầu.

Kinh phí thực hiện xác định tình trạng nghiện gặp nhiều khó khăn, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm