Ngày 27-8, tại Hà Nội diễn ra chương trình kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Ngành Ngoại giao (28-8-1945 đến 28-8-2020) và Đại hội thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025.
Trình bày tham luận tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Nguyễn Mạnh Đông chia sẻ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VGP
Nhiệm vụ này ngày càng nặng nề và đứng trước những khó khăn, thách thức hơn do việc áp đặt đơn phương các yêu sách phi lý và các hành động nhằm thực thi các yêu sách này ở khu vực Biển Đông cũng như tình hình quốc tế, khu vực diễn biến nhanh, khó lường và chứa đựng nhiều nhân tố bất ổn.
Ông Nguyễn Mạnh Đông cho hay, trong bối cảnh đó, Vụ Biển, Ủy ban Biên giới quốc gia đã tích cực hưởng ứng tinh thần trách nhiệm các phong trào thi đua của ngành, hiện thực hóa nội dung của các phong trào thi đua thành các việc làm, hành động cụ thể, thiết thực trong triển khai nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị.
Cụ thể như: Chủ động nghiên cứu, dự báo, xây dựng các đề án, phương án, kịch bản nhằm sẵn sàng ứng phó, không để bị động, bất ngờ trước các tình huống trên biển; Kịp thời tham mưu, đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp đấu tranh trước bất cứ hoạt động vi phạm nào đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển của Việt Nam.
Chủ động, thúc đẩy và làm tốt vai trò chủ trì các cơ chế đàm phán, hợp tác biển ở các cấp với các quốc gia có liên quan như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines không ngừng đạt kết quả tích cực, tiến triển thực chất.
Đồng thời, tăng cường mở rộng hợp tác biển với các đối tác lớn trong và ngoài khu vực, tạo môi trường thuận lợi hơn cho việc giải quyết các vấn đề ở Biển Đông; Tích cực tham gia công tác tuyên truyền, đấu tranh dư luận trong và ngoài nước để dư luận hiểu rõ về tình hình Biển Đông, chính nghĩa, lập trường, thiện chí cũng như quyết tâm của Việt Nam trong việc xử lý vấn đề Biển Đông.
Ông Đông cho rằng, thách thức đối với công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo - không gian sinh tồn của dân tộc - trong giai đoạn tới ngày càng lớn, các vấn đề sinh tồn cần giải quyết đều là những vấn đề khó và phức tạp.
“Việc chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc ở Biển Đông chính là trách nhiệm, danh dự và niềm tự hào của thế hệ cán bộ ngoại giao, cán bộ làm công tác biên giới, lãnh thổ. Với sự tin tưởng của Nhà nước, Bộ Ngoại giao, những người làm công tác đối ngoại nói chung và biên giới lãnh thổ nói riêng sẽ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới ”- ông Nguyễn Mạnh Đông nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo, định hướng công tác cho Ngành Ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 75 năm qua, ngành Ngoại giao luôn vinh dự, tự hào vì có Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên trực tiếp xây dựng, chỉ đạo và rèn luyện, đưa ngành Ngoại giao đã đạt được hững thành tựu quan trọng, đáng tự hào, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Theo Thủ tướng, trong cuộc chiến chống COVID-19, ngành ngoại giao đã triển khai tốt “ngoại giao COVID”, “ngoại giao trực tuyến” với kết quả nổi bật là từ tháng 2-2020 đến nay đã có 30 Hội nghị cấp cao trực tuyến, điệm đàm Lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế lớn…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập tặng một số cán bộ ngành ngoại giao. Ảnh: VGP
Bộ Ngoại giao cũng phối hợp tổ chức nhiều chuyến bay đón gần 30.000 công dân Việt Nam từ các quốc gia ảnh hưởng nặng nề với COVID -19 về nước. Công tác đối ngoại cũng đã phát huy “tinh thần đoàn kết quốc tế” trong phòng chống dịch, hỗ trợ trang thiết bị y tế do Việt Nam sản xuất cho nhiều quốc gia.
Đối với công tác thi đua yêu nước, ngành Ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ tinh thần thi đua yêu nước, trở thành một phương cách lãnh đạo, cổ vũ, động viên cán bộ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng rất hoan nghênh “3 thi đua” do ngành ngoại giao đề ra. Thứ nhất, tăng cường, nâng cao nhận thức về thi đua yêu nước. Dẫn lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đừng tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua”.
Thủ tướng nhấn mạnh, cán bộ làm đối ngoại phải luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, đồng thời có ý thức giữ gìn sự tôn nghiêm, hình ảnh của quốc gia, dân tộc trong từng công việc giao tiếp hàng ngày.
Thủ tướng cho rằng, sau 75 năm thành lập nước, 35 năm đổi mới, hội nhập quốc tế, ngành Ngoại giao có quyền tự hào về những thành tích đã đạt được nhưng không được chủ quan, tự mãn vì chặng đường phía trước còn dài.