Chiều 8-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế khu vực và thế giới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tiếp theo.

Huy động mọi nguồn lực để đạt tăng trưởng 8%
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận, đánh giá về tình hình trong nước, thế giới, đưa ra các nhận định về cơ hội, thách thức thời gian tới. Phiên họp cũng tập trung đánh giá về thay đổi chính sách kinh tế, thuế quan ở một số nước đã tác động đến kinh tế, nhất là xuất, nhập khẩu toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Các thành viên Chính phủ cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tiếp theo là nhiệm vụ rất nặng nề. Do đó, cần tiếp tục tháo gỡ về thể chế, pháp luật; khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Các ý kiến thảo luận tại phiên họp cũng thống nhất về việc cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường tín dụng. Cùng với đó, đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, khai thác tối đa các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Tập trung 3 đột phá chiến lược
Kết luận phiên họp, Thủ tướng cho biết, Trung ương đã có Kết luận, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên; tạo đà cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo.
Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng cũng rất quan trọng và vẻ vang để có thể đạt được 2 mục tiêu chiến lược 100 năm. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
“Thúc đẩy tăng trưởng 8% trong năm 2025 và hai con số trong những năm sắp tới là nhiệm vụ rất khó khăn, thách thức nhưng là mệnh lệnh từ trái tim, khối óc, trách nhiệm với quốc gia, dân tộc và nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng.
Song phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường.
Thủ tướng chỉ đạo tập trung 3 đột phá chiến lược bao gồm hoàn thiện thể chế, hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, theo hướng "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị và nguồn nhân lực thông minh".
Cùng với đó, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Đối với đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh, đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm, các trung tâm tài chính, khu thương mại tự do, dự án đường sắt kết nối, đường sắt tốc độ cao, nhà máy điện hạt nhân…
Người đứng đầu Chính phủ, cho rằng hợp tác kinh tế với nước ngoài có vai trò quan trọng, góp phần cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tiếp theo.
Vì vậy, Thủ tướng đặc biệt lưu ý các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với các nước. Trong đó, tập trung thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư với đối tác, nhất là những đối tác lớn như Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình, phản ứng, ứng xử kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả với từng thị trường, nhất là trong bối cảnh có những thay đổi về chính sách kinh tế, thuế quan của các nước.
Tại phiên họp, Thủ tướng giao các bộ ngành liên quan xây dựng kế hoạch cân bằng thương mại với các đối tác lớn, chú ý khai thác bổ sung thiếu hụt, hỗ trợ lẫn nhau; rà soát lại các sắc thuế, nhất là các đối tác lớn để điều chỉnh nếu thấy cần thiết và phù hợp với lợi ích của các bên...
Các bộ, ngành, đặc biệt là địa phương được yêu cầu sớm giải quyết những dự án còn vướng mắc của đối tác nước ngoài, nhất là đối tác thương mại lớn; tạo điều kiện để doanh nghiệp nước ngoài mở rộng đầu tư, kinh doanh để mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, giúp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài; giải quyết, dứt điểm vấn đề liên quan đến giấy phép lao động, visa.
Các bộ ngành, địa phương cần lắng nghe, cầu thị, giải quyết hiệu quả góp ý, đề xuất chính đáng của doanh nghiệp, đối tác.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Có thể có tên tỉnh mới thể hiện khát vọng của địa phương
(PLO)- Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã thông tin về những kết quả bước đầu trong sắp xếp tổ chức bộ máy.