Sáng 8-3, Ban Tuyên giáo Dân vận Trung ương- Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị báo cáo viên Trung ương toàn quốc tháng 3-2025 và phát động cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến “Tự hào Việt Nam”.

Mở rộng không gian phát triển, đưa hệ thống về gần với người dân
Trong khuôn khổ hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã thông tin khái quát những kết quả bước đầu trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và những vấn đề đặt ra đối với công tác tuyên giáo - dân vận trong tình hình mới.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, ngành tuyên giáo và dân vận đã mở các cuộc nghiên cứu dư luận xã hội về tinh gọn bộ máy. Kết quả cho thấy, đa số người dân và bạn bè quốc tế đều đồng tình ủng hộ.
Đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên tuy có trăn trở khi phải thay đổi công việc, vị trí nhưng đến nay đã cơ bản đồng thuận vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Cán bộ, công chức đều đồng tình rằng đây là cơ hội lịch sử, thời điểm vàng để phát triển đất nước, không thể chậm hơn.
Những ngày qua, dư luận quan tâm việc sáp nhập các tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính. Theo Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, tinh thần sắp xếp là bám sát kết luận 121 và kết luận 127 của Trung ương, Bộ Chính trị có nêu rõ "không có chuyện bàn lùi, đảo ngược, chỉ bàn làm và làm tốt hơn".
Theo ông, các quyết định này được đưa ra trong thời gian ngắn nhưng có cơ sở nghiên cứu, xem xét toàn diện các yếu tố từ lịch sử, văn hóa, truyền thống, kinh tế, xã hội, tập quán và học hỏi kinh nghiệm quốc tế.
Việc sắp xếp phải đảm bảo và tuân thủ quy định của pháp luật về địa lý tự nhiên và quy mô dân số, quy mô kinh tế và trình độ nhân lực. Để một quốc gia, một tỉnh phát triển thì yếu tố con người rất quan trọng.
Hiện nay, bên cạnh những địa phương đông dân, có nguồn nhân lực, thị trường dồi dào thì cũng có những địa phương rất khó khăn, dân số ít.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cũng nhấn mạnh sáp nhập tỉnh trên nguyên tắc kế thừa truyền thống nhưng phải nghiên cứu những vấn đề mới phù hợp với tình hình mới. Việc đặt tên các tỉnh mới không phải cứ lấy tên tỉnh này lắp tên tỉnh kia, mà có thể có tên mới thể hiện khát vọng phát triển, tinh thần hội nhập.
Theo ông, phải xóa bỏ những tư tưởng cục bộ như tại sao tỉnh giàu mà phải nhập vào tỉnh nghèo hay quyền anh, quyền tôi.
“Sắp xếp vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì chính địa phương của mình, vì yêu cầu nhiệm vụ để phát triển cho nhân dân nơi ấy"- ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Theo định hướng của Bộ Chính trị, việc sáp nhập phải xét đến yếu tố đặc thù như vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, quy mô, trình độ phát triển kinh tế, vị trí bảo vệ Tổ quốc...
Việc này nhằm mở rộng không gian phát triển mới, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương và định hướng phát triển trong giai đoạn mới. Sau sáp nhập, địa phương phải đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự xã hội; phát triển hạ tầng giao thông, khoa học công nghệ...
Việc sáp nhập cũng phải đảm bảo yếu tố hài hòa giữa các địa phương, hướng tới việc cùng nâng đỡ cùng phát triển để các địa phương tự lực tự cường. Trung ương sẽ có nguồn lực phát triển tốt hơn cho biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, những tỉnh trọng yếu về an ninh quốc phòng.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy thì bộ máy hành chính mới phải được phân cấp mạnh mẽ, cấp xã phải được tăng nhiều thẩm quyền hơn. Tinh gọn để bộ máy gọn, nhẹ, tập trung nguồn lực cho sự phát triển.
“Như tinh thần của Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo là không để người dân tìm chính quyền mà chính hệ thống chính trị về với người dân. Bám sát tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm để hoàn thiện thể chế"- ông nói và nhấn mạnh việc này là để cấp xã hoạt động chuyên nghiệp hơn, đổi mới hơn, hiện đại hơn và mang tính đột phá để bước vào kỷ nguyên mới.
Cán bộ tuyên giáo, dân vận phải đi đầu
Trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh đến vai trò đi đầu của đội ngũ làm công tác tư tưởng. Theo ông, dù cũng là lực lượng bị tác động, song đội ngũ báo cáo viên, đội ngũ làm công tác tuyên giáo, dân vận cần phải gương mẫu, đi đầu, làm hết mình.
Vì vậy, ông yêu cầu công tác tuyên truyền phải mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục, đa dạng hơn nữa.
Qua đó thống nhất cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc, trọng tâm là nghiên cứu để sáp nhập một số tỉnh, còn cấp huyện và tương đương hoàn thành sứ mệnh lịch sử; tập trung phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Riêng đối với TP.HCM, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, trong bối cảnh sắp xếp lại bộ máy, địa phương phải kiên định kế thừa những thành quả mà các thế hệ trước đây đã dày công gây dựng để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội hôm nay.

8 nhóm chính sách theo Nghị định 178 với công chức, viên chức... nghỉ việc khi sắp xếp tổ chức bộ máy
(PLO)- Nghị định 178 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy vừa được ban hành có 8 nhóm chính sách chính.