Gần 20 năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Có (ngụ xã Qui Đức, huyện Bình Chánh, TP.HCM) mệt mỏi đeo đuổi vụ tranh chấp hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất với Trường THCS Đa Phước. Tháng 11-2016, TAND TP.HCM xử phúc thẩm (lần hai) đã tuyên buộc nhà trường phải trả cho gia đình ông Có hơn 1,9 tỉ đồng nhưng đến nay nhà trường vẫn chưa thi hành án (THA).
Không đổi đất, cũng không bồi thường
Theo hồ sơ, năm 1994, Trường Phổ thông cấp II-III Đa Phước (nay là Trường THCS Đa Phước) mở rộng thêm phòng học nên UBND xã Đa Phước mời ông Có đến trao đổi nhượng lại phần đất có diện tích hơn 1.000 m2 của gia đình ông cho trường. Phần đất này gia đình ông Có sử dụng từ trước năm 1975 nhưng chưa được UBND huyện Bình Chánh cấp giấy đỏ.
Ông Có đồng ý giao đất với điều kiện nhà trường phải bù lại cho gia đình ông phần đất ngang 2 m, dài 18 m để làm đường đi, còn phần diện tích trường lấy sẽ bồi thường theo giá thị trường.
Sau đó nhà trường tiến hành đo lấy đất nhưng không giao phần diện tích làm đường đi, cũng không bồi thường phần diện tích đất còn lại như đã thỏa thuận cho gia đình ông Có. Năm 1995, trường được UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận cho phần diện tích đất trên.
Bà Trần Thị Bạch Tuyết cho biết gia đình ông Có đang mỏi mòn chờ để được thi hành án. Ảnh: KP
Gian nan đòi quyền lợi
Ông Có khiếu nại đến UBND xã Đa Phước. UBND xã này có văn bản đề nghị UBND huyện Bình Chánh xem xét hỗ trợ gia đình ông Có nhưng không được giải quyết. Năm 2002 ông Có mất, con trai ông đại diện gia đình tiếp tục khiếu nại. Đến năm 2005, con trai ông khởi kiện yêu cầu TAND huyện Bình Chánh buộc nhà trường phải bồi thường phần diện tích đất trường đã hứa đổi (ngang 2 m, dài 18 m) và giá trị quyền sử dụng đất hơn 1.000 m2 theo giá thị trường tại thời điểm khởi kiện. Sau đó, gia đình ông Có đã ủy quyền cho bà Trần Thị Bạch Tuyết tham gia tố tụng.
Làm việc với tòa, đại diện nhà trường thừa nhận có thỏa thuận với ông Có nội dung trên. Tuy nhiên, phần diện tích đất trường hứa chuyển nhượng (ngang 2 m, dài 18 m) để gia đình ông Có làm đường đi hiện nay trường không thực hiện được vì đã xây dựng trên toàn bộ phần đất tranh chấp. Đại diện nhà trường cho rằng trường là công trình phúc lợi xã hội, phục vụ nhu cầu giáo dục tại địa phương nên chỉ đồng ý bồi thường giá đất theo quy định của Nhà nước chứ không đồng ý mức giá do hội đồng định giá xác định (hơn 11 tỉ đồng).
Xử sơ thẩm lần đầu, TAND huyện Bình Chánh đã bác đơn khởi kiện của phía gia đình ông Có vì cho rằng đất gia đình ông Có giao cho trường chưa có giấy tờ hợp lệ theo Luật Đất đai 2003. Bà Tuyết gửi đơn kháng cáo. Lúc này gia đình ông Có chỉ yêu cầu nhà trường bồi thường phần diện tích hơn 1.000 m2 đất chứ không đòi phần diện tích đất làm đường đi nữa.
Năm 2009, TAND TP.HCM xử phúc thẩm lần đầu đã chấp nhận yêu cầu của phía gia đình ông Có, công nhận thỏa thuận giữa ông Có và nhà trường, tuyên buộc nhà trường có trách nhiệm trả cho những người thừa kế của ông Có hơn 11 tỉ đồng.
Bản án này bị UBND huyện Bình Chánh khiếu nại giám đốc thẩm. Năm 2012, chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị và cấp giám đốc thẩm sau đó đã hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ về TAND huyện Bình Chánh xử sơ thẩm lại. Theo cấp giám đốc thẩm, trong quá trình xét xử, hai cấp tòa chưa thu thập chứng cứ để làm rõ nhà trường đã giao phần diện tích hoán đổi làm đường đi cho gia đình ông Có hay chưa…
Năm 2015, TAND huyện Bình Chánh xử sơ thẩm lần hai đã chấp nhận một phần đơn kiện của phía gia đình ông Có, buộc Trường THCS Đa Phước trả cho những người thừa kế của ông Có 1,9 tỉ đồng (mà tòa sơ thẩm cho rằng là giá trị của hơn 1.000 m2 đất tranh chấp).
Bà Tuyết kháng cáo, VKSND TP.HCM cũng kháng nghị bản án trên. Tại phiên tòa phúc thẩm lần hai, bà Tuyết yêu cầu nhà trường chi trả số tiền cho phần đất nhà trường đã lấy là hơn 7 tỉ đồng (theo chứng thư thẩm định giá năm 2016). Phía nhà trường không đồng ý theo giá này mà chỉ chấp nhận bồi thường theo giá mà tòa sơ thẩm tuyên (hơn 1,9 tỉ đồng) và đồng ý bàn giao phần đất làm đường đi như thỏa thuận.
Tháng 11-2016, TAND TP.HCM xử phúc thẩm lần hai đã buộc nhà trường phải bồi thường cho những người thừa kế của ông Có hơn 1,9 tỉ đồng.
Trường nói không có kinh phí
Tháng 1-2017, Chi cục THA dân sự huyện Bình Chánh đã ra quyết định THA trong vụ việc trên. Tuy nhiên, cho đến nay gia đình ông Có vẫn chưa nhận được đồng nào từ Trường THCS Đa Phước.
Làm việc với cơ quan THA, đại diện nhà trường nói trường là đơn vị hành chính sự nghiệp, hoạt động bằng nguồn kinh phí nhà nước do UBND huyện Bình Chánh cấp hằng năm nên không có khả năng tài chính để THA. Trường đã có tờ trình gửi UBND huyện Bình Chánh để xin kinh phí và ý kiến về việc thực hiện bản án trên. Khi nào UBND huyện cấp kinh phí thì trường mới có tiền THA.
Ngày 31-7, UBND huyện Bình Chánh đã họp và giao Phòng Tài chính-Kế hoạch tham mưu nguồn kinh phí để THA. Hai phương án được đưa ra là tạm ứng nguồn kinh phí từ ngân sách huyện hoặc đề xuất phương án khác nhưng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Ngày 10-8, Văn phòng UBND huyện có văn bản thông báo cho cơ quan THA biết như trên.
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết UBND huyện đang chờ ý kiến của Sở Tài chính TP về nguồn kinh phí để THA bản án trên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.
“Gia đình quá mệt mỏi rồi” 22 năm nay gia đình ông Có đã quá mệt mỏi với việc khiếu nại, kiện tụng để đòi lại lẽ công bằng. Tôi đại diện cho gia đình họ đeo đuổi hầu tòa cũng 12 năm nay rồi. Các tòa xử đi xử lại bằng bốn bản án, từ hơn 11 tỉ đồng giờ xuống chỉ còn hơn 1,9 tỉ đồng cho hơn 1.000 m2 đất nhưng trường cũng chưa chịu bồi thường cho gia đình ông Có. Bà TRẦN THỊ BẠCH TUYẾT, |