Thực hư việc tìm được mộ Trạng Trình

Tháng 6-2012, Hội đồng Nguyễn tộc ngành Út Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Tp Hải Phòng) gửi đơn đề nghị UBND xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Tp. Hải Phòng trình bày về việc: Sau nhiều năm tìm kiếm với sự giúp đỡ của một số nhà ngoại cảm, con cháu trong dòng họ đã tìm và xác định được phần mộ của cụ tổ (Danh nhân văn hoá Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) là một gò đất nhỏ tại cánh đồng Mả Lẻ, thuộc Đội 8, thôn Tiền Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Tp. Hải Phòng.

Đầu tháng 7/2012, Hội đồng Nguyễn tộc ngành Út đã gửi đơn đến UBND xã Lý Học để xin phép và thông báo cụ thể về thời gian, địa điểm tiến hành lễ động thổ, khởi công xây dựng, tôn tạo phần mộ theo ước nguyện của cụ tổ. Ngày 6/7/2012, UBND xã Lý Học ban hành Công văn số 16 với nội dung: Đồng ý cho Hội đồng Nguyễn tộc ngành Út được nhận và xây dựng phần mộ, đắp đường đi tại khu vực đất hoang hóa của địa phương ở khu vực mộ như trong đơn đề nghị và được tổ chức lễ phần mộ…

Thực hư việc tìm được mộ Trạng Trình ảnh 1
 
Lăng mộ mà Hội đồng Nguyễn tộc ngành Út cho rằng là mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm 

Sáng 24/7/2012 (ngày 6/6 năm Nhâm Thìn), Hội đồng Nguyễn tộc ngành Út Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tổ chức lễ động thổ, khởi công xây dựng khu lăng mộ cụ tổ. Trước khi tổ chức buổi lễ, Hội đồng Nguyễn tộc ngành Út Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã gửi UBND xã Lý Học một số văn bản có nội dung: đề nghị được hỗ trợ về an ninh trật tự trước và trong buổi lễ; báo cáo chi tiết về phương án, cách thức, quy mô xây dựng phần mộ.
 
Sau lễ khởi công, Hội đồng Nguyễn tộc ngành Út Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tiếp tục gửi nhiều văn bản đề nghị UBND xã Lý Học xem xét, tạo điều kiện được xây dựng phần mộ, đường vào phần mộ theo quy cách, kích thước đã nêu trong các văn bản. Khi xây dựng xong, Hội đồng Nguyễn tộc ngành Út sẽ báo cáo xin phép các cấp thẩm quyền được quy hoạch, lập dự án hoàn chỉnh khu di tích này. Đến tháng 8/2012, Hội đồng Nguyễn tộc ngành Út Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã gửi đơn lên UBND huyện Vĩnh Bảo. Sau khi nghiên cứu nội dung đơn, căn cứ vào “quy định của pháp luật”, UBND huyện Vĩnh Bảo đã chuyển đơn của về UBND xã Lý Học xem xét giải quyết…

Đầu tháng 9/2012, UBND xã Lý Học đã có Công văn số 01 trả lời với nội dung: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là danh nhân văn hoá của dân tộc, việc tìm được mộ của cụ là ước nguyện không những của dòng họ Nguyễn mà còn là ước nguyện của toàn thể cán bộ nhân dân xã Lý Học cũng như toàn thành phố. Đến thời điểm hiện tại, UBND xã Lý Học chưa nhận được văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền nên không có quyền quyết định việc lập quy hoạch xây dựng khu di tích lăng mộ Trạng Trình…

Sự kiện tìm được mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tạo nên một sự kiện tâm linh gây bất ổn về an ninh trật tự, ảnh hưởng đến tình hình chính trị tại địa phương và cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Đăng Lợi, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: Việc Hội đồng Nguyễn tộc ngành Út Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nói đã tìm được mộ của Cụ Tổ là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (tại khu vực nêu trên) bằng phương pháp ngoại cảm là chưa có căn cứ khoa học.

Trước đây, ông Lợi đã cùng lãnh đạo UBND thành phố; Thượng toạ Thích Quảng Tùng, Phó Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hải Phòng và một số nhà ngoại cảm nổi tiếng như Phan Thị Bích Hằng, Đỗ Bá Hiệp phối hợp với con cháu trong dòng tộc Trạng Trình đã dùng phương pháp tâm linh để mời Trạng Trình về tha thiết xin được biết phần mộ của cụ ở đâu nhưng đều bị cụ bác “Mộ ta táng, ta không cần cho các ngươi biết, các ngươi lại bày vẽ tốn tiền dân. Tiền sửa sang mộ ta để dành mở các lớp học cho các cháu ở trong xã, sau này khoảng vài chục năm sẽ có cháu bằng ta hoặc vượt hơn ta. Không được đụng đến mộ”.
 
Ngày xưa, các bậc thánh nhân, tiên tri có một nguyên tắc là không bao giờ cho biết phần mộ thật của mình ở đâu vì sợ thời thế thay đổi. Hiện nay, việc tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm không được Nhà nước thừa nhận.

Về việc UBND xã Lý Học, UBND huyện Vĩnh Bảo có một số văn bản phúc đáp lại Hội đồng Nguyễn tộc ngành Út Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với nội dung như nêu trên, ông Lợi cho biết: Hiện nay, di tích lịch sử văn hoá đã được luật pháp quy định cụ thể, không ai được xâm phạm. Sự việc đáng tiếc xảy ra vừa qua là do cán bộ không nắm rõ luật dẫn đến việc tuỳ tiện làm vượt thẩm quyền, trách nhiệm của mình gây hậu quả nặng nề.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một danh nhân văn hoá của Quốc gia nên Tp. Hải Phòng cần nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch để có biện pháp xử lý vụ việc trên theo quy định. Việc quản lý, xây dựng di tích lịch sử phải dựa vào luật pháp, tránh các trường hợp tương tự xảy ra như ở: chùa Trăm Gian; thành nhà Mạc ở Tuyên Quang; thành cổ ở Sơn Tây…

(Theo Công lý)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm