Thực phẩm bẩn: Bêu tên tận chợ, khu phố?

TP Đà Nẵng vừa cho biết sẽ thành lập một website về an toàn vệ sinh thực phẩm, bêu tên các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn; Hà Nội cũng có chỉ thị yêu cầu đưa tên các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm lên loa phường, xã. Cách đây vài ngày, TP.HCM ban hành kế hoạch tuyên chiến với thực phẩm bẩn. Người dân TP.HCM rất ủng hộ chủ trương này và đã đưa ra nhiều đề xuất.

Cần bêu tên nhưng nên thận trọng

Việc công bố tên cơ sở chế biến thực phẩm bẩn trên loa phát thanh như ở Hà Nội hay thông tin trên trang web như ở Đà Nẵng là rất hữu ích. Người dân sẽ an tâm khi biết được các nơi bán thức ăn an toàn. Tuy nhiên, khi thực hiện cũng nên cẩn thận, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Năm 2013 từng xảy ra vụ một cơ sở ở Tây Ninh bị niêm phong gần 100 tấn măng muối vì có chứa acid oxalic, khốn đốn vì mang tiếng bỏ hóa chất độc hại vào măng. Chủ cơ sở khẳng định không sử dụng hóa chất, đồng thời mang măng tươi vừa hái đi kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy hàm lượng acid oxalic trong măng tươi nhiều gấp đôi măng muối. Vì thế, việc hiểu biết không đúng, dẫn tới kiểm tra và nhận định không đúng sẽ hạ uy tín của cơ sở, nếu thông tin bị công bố lên cho mọi người biết thì rất nguy hiểm.

Về thực hiện, có thể chia thành từng giai đoạn kiểm tra. Khi phát hiện lần một, tiến hành phạt, nhắc nhở. Sau một thời gian ngắn, kiểm tra lại nếu vẫn phát hiện vi phạm thì mới lập danh sách công bố cho người dân biết. Nếu cơ sở này lại tái phạm thì xử lý hành chính hoặc hình sự theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, nếu họ đã khắc phục thì cơ quan chức năng cũng phải công bố lại cho người dân biết. Xử lý rõ ràng minh bạch như thế thì người vi phạm hết đường làm ăn gian dối, lại tâm phục khẩu phục.

TRẦN MINH TÂN (Chủ một quán ăn ở đường Nguyễn Oanh,
quận Gò Vấp, TP.HCM)

Một vụ heo hôi thối tẩm hóa chất thành heo rừng được phát hiện tại Bình Thuận vào cuối tháng 4-2016. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Thông báo tại phường, khu phố, chợ…

Việc đưa tên nơi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, TP.HCM nên làm ngay. Mỗi lần nghe thông tin các ngành chức năng bắt xe chở thịt thối hay rau, măng có tẩm hóa chất, chúng tôi hoang mang vô cùng. Việc công bố thông tin cũng đảm bảo được uy tín của các cơ sở, cửa hàng chế biến thực phẩm làm ăn ngay ngắn. Tuy nhiên, không những đăng trên trang web mà cần phổ biến rộng rãi hơn cho người dân biết, ví dụ như đăng trên các bảng thông báo ở phường, ở khu phố, ở chợ; thông tin trong các cuộc họp tổ dân phố... bởi không phải ai cũng có điều kiện và thời gian vào trang web. Không có người mua thì mấy cơ sở đó làm sao tồn tại được. Đã không làm thì thôi, làm thì phải làm nghiêm mới có tác dụng.

QUÁCH THỊ LOAN (201/45 Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh)

Đừng kiểm tra chiếu lệ

Muốn bêu tên, cái chính là phải minh bạch thông tin. Việc kiểm tra các cơ sở này phải tiến hành thường xuyên, đột xuất chứ thông báo trước rồi mấy hôm sau mới qua kiểm tra thì làm sao đảm bảo được tính chính xác nữa. Trước đây, ở quê, ngay sát nhà tôi có một cơ sở chăn nuôi heo khá lớn, họ mua cả heo con và heo thịt của bà con xung quanh, tầm cuối tuần lại gom bán ra ngoài Bắc. Thi thoảng lại có cán bộ xuống kiểm tra, có lần đi cả đoàn nhưng gần trưa họ mới tới và chiều mới về, kiểm tra không thấy đâu chỉ biết chủ nhà trước đó đã chuẩn bị… bàn nhậu tiếp “quan”. Tôi nghĩ việc quan trọng đầu tiên là phải chuẩn bị lực lượng cán bộ có kiến thức, trình độ và cái tâm thực sự, đừng chỉ làm qua loa cho có. Và khi có kết quả, cần minh bạch thông tin cho dân biết.

DƯƠNG THỊ HẰNG (Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM)

Đưa cả tên những quầy hàng nhỏ, lẻ

Theo tôi thấy thì hiện nay, việc thông tin người sản xuất, chế biến, bán thực phẩm bẩn chủ yếu tập trung vào các vụ kiểm tra, bắt quả tang vi phạm, đồng thời chỉ tập trung vào các cơ sở, các ổ vi phạm. Trong khi đó, là người đi chợ mỗi ngày, người bán nói sao thì tôi tin vậy, nhất là những người bán thức ăn, thực phẩm chế biến sẵn. Rau, thịt cá tươi sống thì có thể vì truy xuất nguồn gốc khó nên dí trách nhiệm người bán là chưa hợp lý. Tuy nhiên, với thức ăn, thực phẩm làm sẵn thì người bán, người nấu thừa biết mình đã sử dụng các loại gia vị, phụ gia nào, mua nguyên liệu ở nơi có đăng ký hay ở nơi trôi nổi… Vì vậy, tôi mong muốn chính quyền các nơi đừng bỏ qua đối tượng này. Hằng ngày chúng tôi rất cần cập nhật thông tin: Chợ ở nơi mình ở, nơi mình mua có quầy hàng nào bán thức ăn bẩn hay không.

HOÀNG NGỌC MINH (Đường 42, phường Linh Trung, 
quận Thủ Đức, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm