Vì sao? Ai cũng có duy nhất một cuộc đời, người ta không chết ngay nếu mất đi hoặc bị tổn hại những giá trị tinh thần nhưng với ung thư thì...
Câu chuyện thực phẩm bẩn tồn tại từ lâu nhưng chưa bao giờ nó trở thành cơn bão truyền thông liên tục thống lĩnh dư luận và thành nỗi ám ảnh trong từng cái gắp đũa như bây giờ. Mua bán mớ rau, con cá là việc của mỗi người dân nhưng thiết chế đảm bảo quyền lợi cho các bên trong giao dịch và tiêu thụ sản phẩm ấy phải thuộc về Nhà nước. Người bán lẫn người mua có quyền thỏa thuận giá cả nhưng họ không thể tự tạo ra cho mình một tâm lý an toàn. Khi người dân ăn không ngon vì hồi hộp thức ăn chứa chất cấm, ngủ không yên với câu hỏi mình và con mình sẽ ăn gì, nó có an toàn không… thì trách nhiệm ấy thuộc về chính quyền, những người quản trị xã hội.
Tuy nhiên, cơn bão truyền thông và tâm trạng xã hội này còn chứa những ý nghĩa khác ngoài ý nghĩa cảnh báo; ngoài sự đòi hỏi trách nhiệm và minh bạch trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm mà nó còn chứa đựng sự bất công với nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Bởi khi sợ thực phẩm bẩn mà không biết tìm đâu và làm thế nào chọn rau sạch, người tiêu dùng sẽ nghi kỵ và tẩy chay hoặc giảm sức mua cả với những sản phẩm an toàn. Nỗi sợ hãi cộng với vài lần gian dối của vài doanh nghiệp đã khiến niềm tin về GAP hay những chứng nhận tương tự giảm sút. Và nhà sản xuất lẫn người nông dân lãnh đủ cơn thịnh nộ nghi ngờ, bất kể ông làm ra sản phẩm sạch hay không. Nó bất công với người tiêu dùng, bởi bỏ tiền ra mua cái gì ăn cũng không thấy ngon. Nó dấy lên một phong trào phân chia lao động và thời gian lao động bất hợp lý. Khu phố tôi ở nhiều nhà có thêm những thùng xốp trước vỉa hè và sân để tự trồng rau sạch; sân thượng nhà xóm giềng cũng dẹp chiếc xích đu của trẻ con để dành chỗ trồng rau. Từ chỗ trồng trọt như thú tiêu khiển với hoa và cây cảnh, giờ nhiều người dân đô thị thêm một công việc phải làm sau những giờ ở văn phòng, hãng xưởng.
Trong quản trị khủng hoảng truyền thông, giai đoạn hiện tại có thể gọi là cao điểm khi người sản xuất đang hứng cơn thịnh nộ của người tiêu dùng, mà cả hai bên đều thiếu thông tin và niềm tin.
Rất có thể màn tiếp theo của cuộc khủng hoảng này là chiến dịch PR cho một hoặc nhiều chuỗi sản phẩm sạch nào đó. Và những nạn nhân của nỗi sợ hãi hôm nay sẽ biến thành “người tiêu dùng thông minh” để chọn các loại sản phẩm ấy. Chưa xuất hiện nhưng đã thấy cuộc khủng hoảng này có phần tạo nên lợi nhuận cho ai đó nếu họ chủ ý tạo ra, góp phần thúc đẩy khủng hoảng hoặc nắm lấy thời cơ xuất hiện. Và người nông dân lẫn người tiêu dùng vẫn là những nạn nhân khốn khổ.
Niềm tin chỉ được xây dựng trên lòng tự trọng, chất lượng sản phẩm nhưng môi trường cho nó sống là sự trách nhiệm và minh bạch của chính quyền với một thiết chế quản trị tốt. Nếu không sự khủng hoảng này sẽ còn tiếp diễn. Nếu không sẽ còn những cuộc khủng hoảng khác ở lĩnh vực khác và dĩ nhiên sẽ có người khác thủ lợi. Còn nạn nhân cho dù là bệnh nhân, người tiêu dùng, là nhà đầu tư, là người trồng cải hay trồng lúa thì cũng chỉ có một tên gọi thôi, là người dân.