Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng kiến nghị với Chính phủ về việc ngăn chặn thực phẩm bẩn hiện nay trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm (ATTP) sáng nay 27-4.
Tại hội nghị, ông Đinh La Thăng cho rằng tình hình ATTP hiện nay là đáng báo động, tràn lan, phức tạp, nguy hiểm đe dọa đến đời sống của người dân và đã trở thành vấn đề nóng, quan tâm của toàn xã hội.
Theo Bí thư Đinh La Thăng, một trong những nguyên nhân hàng đầu là không xác định được trách nhiệm, không ai bị kỷ luật khi để tình trạng mất vệ sinh ATTP tràn lan.
Thứ hai chính là tổ chức, quy mô công tác thanh tra, kiểm soát của lực lượng chức năng không tốt, không nghiêm, còn tình trạng bao che, thông đồng vì lợi nhuận từ thực phẩm bẩn, thực phẩm lậu là rất lớn.
Bí thư Thăng cũng cho rằng hiện nay cơ chế chính sách chưa hỗ trợ để cá nhân, cơ sở sản xuất đầu tư nuôi trồng, tiêu thụ, phân phối quy mô, hệ thống. Theo ông Thăng, những việc cần phải làm ngay thì phải làm không chần chừ gì nữa. Làm những việc cụ thể hơn mà phải toàn dân vào cuộc, có sự đồng thuận từ Chính phủ đến địa phương. Trong đó, vấn đề quan trọng là phải xác định rõ quyền hạn cụ thể của các cấp.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm sáng nay (27-4) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP
“Chẳng hạn như phải xác định quyền hạn của các cấp địa phương, bộ, ngành trung ương. Xác định xem họ có kiểm tra, xử lý và làm nghiêm không. Người ta cho phép anh nhập chỉ có 10 kg mà anh nhập đến 10 tấn thì hòa cả làng rồi, cái này phải làm rõ trách nhiệm xử lý nghiêm bất kỳ ai để mất ATTP” - Bí thư Đinh La Thăng nói.
“Hiện nay lò mổ bất hợp pháp, cơ sở mất vệ sinh xã, phường biết nhưng không ai bị xử lý cả, đây là trách nhiệm của bí thư, chủ tịch. Chúng ta cần phải xác định xử lý trách nhiệm cơ quan đơn vị, cá nhân có liên quan đến tình trạng lộn xộn, bất cập trong quản lý ATTP hiện nay. Cấp trên để xảy ra thì phải chịu trách nhiệm, không thể đổ lỗi cho cấp dưới” - Bí thư Thăng đề xuất Chính phủ.
Tại hội nghị, Bí thư Đinh La Thăng đề nghị Thủ tướng cho phép các địa phương được chủ động tổ chức bộ máy quản lý ATTP trên nguyên tắc không tăng biên chế và kiến nghị cho phép TP.HCM thí điểm thành lập cơ quan thống nhất quản lý về ATTP, tiền xử phạt được để lại địa phương để đầu tư cho công tác quản lý, đảm bảo VSATTP.
Đối với lực lượng thực thi trong quản lý ATTP, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng cần phải rà soát, chấn chỉnh, bố trí đúng vai trò chức năng, nhiệm vụ.
Ngoài ra, Bí thư Đinh La Thăng cũng đề xuất: “Chúng ta nên giao cho lực lượng Cựu chiến binh tại địa phương giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ các chợ kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm, khuyến khích phát triển chuỗi thực phẩm an toàn quy mô lớn, tăng cường phối hợp giữa các địa phương”.
“Tiếp tục tăng cường quản lý vệ sinh ATTP nhưng các bộ, ngành, địa phương không được quy định thêm "giấy phép con", đồng thời xử phạt thật nặng để đảm bảo chặn đứng ATTP hiệu quả” - Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhấn mạnh.