Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu năm 2023 không còn thấp như 2022

(PLO)- Thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu áp dụng cho năm 2023 theo Nghị quyết mà Ủy ban Thường vụ vừa thông qua không còn thấp như năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 30-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường, chiều 30-12-2022. Ảnh: QH

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường, chiều 30-12-2022. Ảnh: QH

Sau khi xem xét tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết phải tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn trong năm 2023 để tiếp tục góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo phương án của Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị, có phần cao hơn so với đề xuất của Chính phủ.

Mức thuế được áp dụng từ ngày 1-1 tới đến hết năm 2023.

So sánh đề xuất của Chính phủ với phương án của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: Minh Trúc.

So sánh đề xuất của Chính phủ với phương án của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: Minh Trúc.

Thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu được quy định theo biểu khung thuế như trong bảng. Năm 2022, trước diễn biến bất thường của thị trường dầu thô thế giới cũng như giá xăng, dầu thành phẩm, Chính phủ đã trình và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý ban hành nghị quyết cho phép áp dụng mức thuế thấp nhất, từ 300-1.000 đồng tùy mặt hàng và đơn vị tính, áp dụng đến ngày 31-12-2022.

Với năm 2023, Chính phủ cho rằng giá dầu thô thế giới và giá xăng, dầu thành phẩm sẽ tiếp tục biến động, khó dự báo. Để góp phần ổn định giá, kiềm chế lạm phát, góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng, dầu. Mức đề xuất là năm 2023 giữ nguyên năm 2022.

Chính phủ cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường. Nếu giá xăng dầu thế giới giảm thì sẽ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án điều chỉnh tiếp theo cho phù hợp với tình hình thực tế.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội khi thẩm tra có những đánh giá khác. Theo đó, nhiều ý kiến trong Ủy ban cho rằng dầu thô thế giới cuối năm 2022 đã hạ nhiệt so với thời điểm đầu năm. Dự báo giá trong năm 2023 sẽ thấp hơn mức bình quân 2022.

Nếu tiếp tục áp dụng mức sàn trong biêu khung thuế như năm 2022 sẽ không phù hợp với bản chất và mục tiêu của thuế bảo vệ môi trường, có thể ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong việc thực hiện các giải pháp nhằm giảm tác động có hại đến môi trường.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng Chính phủ cần cung cấp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến giá xăng dầu trên thị trường thế giới tại từng thời điểm điều chỉnh giá bán trong nước. Đánh giá kỹ hơn về tác động của từng yếu tố tác động đến việc giảm giá trong nước để bảo đảm tính chính xác, đầy đủ trong các nhận định, đánh giá.

Chính phủ cũng cần báo cáo các giải pháp khác đã áp dụng để góp phần bình ổn thị trường xăng, dầu trong nước.

Chưa kể, việc tiếp tục áp dụng mức sàn thuế bảo vệ môi trường như phương án đề xuất của Chính phủ sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khá lớn…

Từ các nhận định này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường từ 600-2.000 đồng tùy loại mặt hàng xăng dầu và đơn vị tính, cao hơn phương án của Chính phủ, nhưng vẫn thấp hơn nhiều trần thuế bảo vệ môi trường vẫn được áp dụng những năm 2021 trở về trước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông nhất theo phương án đề xuất của cơ quan thẩm tra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm