Thuốc nào là thuốc “đầu tiên”?

Kẹt chính ở chỗ liều thuốc “đầu tiên” ở xứ mình thường là tiền đâu, là tiền trao cháo múc, thậm chí cấp cứu còn phải đợi đóng xong viện phí!

Trong buổi hội thảo về bệnh người cao tuổi được tổ chức ở CHLB Đức hồi năm ngoái, cử tọa ngạc nhiên khi Hiệp hội Dinh dưỡng ở xứ này công bố kết quả nghiên cứu về các phương án tăng cường khả năng tư duy, ổn định trí nhớ và cải thiện óc suy luận. Tưởng phải là thuốc gì khó tìm thì sai. Biện pháp thiết yếu để não tuy già nhưng vẫn còn gân chính là thói quen uống tối thiểu hai lít rưỡi nước mỗi ngày!

Thử hỏi biện pháp phòng bệnh nào hiệu quả như mong muốn nếu toàn bộ quy trình biến dưỡng bên trong tế bào rối loạn vì cạn nước? 

Đừng tưởng cây già mới cần tưới nước

Đi xa hơn nữa, các nhà nghiên cứu đã khẳng định hai điều:

• Tác dụng kiện não của nước không chỉ hữu ích cho đối tượng cao niên mà ngay cả cho người trẻ tuổi, thậm chí càng trẻ càng không nên thiếu nước.

• Tác động của nước trên chức năng tư duy và cấu trúc của hệ thần kinh càng rõ rệt hơn nữa nếu tối thiểu nửa lượng nước uống hằng ngày là nước khoáng thiên nhiên.

Thiếu vốn khó lời

Nhận xét của chuyên gia ngành dinh dưỡng ở Đức trên thực tế không có gì mới lạ. Nếu nước có mặt trong mọi tế bào với hàm lượng trung bình chiếm đến 70% tổng lượng cơ thể, thì không có gì khó hiểu nếu đủ loại bệnh chứng nghiêm trọng thành hình nhanh chóng một khi cơ thể vì lý do nào đó bỗng thiếu nước. Tình trạng này càng rõ hơn nữa với hệ thần kinh trung ương do tính nhạy cảm vô cùng của tế bào não. Không lạ gì nếu người cao tuổi mau quên, hay lẫn lộn do lượng nước trong cơ thể giảm nhanh từ tuổi ngũ tuần. Nếu dòng máu trở nên đậm đặc do thiếu nước, con tim làm sao đẩy máu để mang dưỡng khí đến tận mọi ngõ ngách của cơ thể. Não bộ một khi thiếu dưỡng khí, nếu không đãng trí, trầm uất, chóng mặt, ù tai... mới là chuyện lạ! Cây nào khô không do thiếu nước?

Nước đủ khoáng là nước nên thuốc

Chuyên gia về lão khoa ở Đức, nơi có hàng trăm khu điều trị phục hồi tập trung quanh các địa phương có nguồn nước khoáng ngầm, đã không vô cớ nhấn mạnh nhiều lần về tác dụng của nước khoáng. Theo Loeb, dẫn truyền thần kinh có vận tốc bình thường hay không là do ảnh hưởng của tỉ lệ giữa bốn khoáng tố đại lượng là muối ăn, kali, vôi và magiê. Chỉ cần một trong bốn yếu tố vừa kể lọt ra ngoài vòng kiểm soát thì dẫn truyền thần kinh bị rối loạn. Đó lại là một trong các nguyên nhân đưa đến nhiều tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, từ trầm cảm cho đến rối loạn nhịp tim! Nước khoáng thiên nhiên, cho dù với chất lượng khác nhau ít nhiều tùy theo thành phần, là nguồn cung ứng bốn loại khoáng tố cơ bản với hàm lượng an toàn cho cơ thể. Uống nước khoáng dĩ nhiên không thể là biện pháp quyết định khi cơ thể đã rơi vào tình trạng rối loạn chất điện giải. Thầy thuốc từ ngàn xưa, từ Đông sang Tây, dù ở Hy Lạp, Ai Cập hay Trung Quốc, ắt hẳn phải có lý do chính đáng khi không hẹn mà cùng xếp loại nước khoáng thiên nhiên vào nhóm dược liệu đầu tiên trong lịch sử y học của con người.

Xem thường vì quá đơn giản

Bất kỳ phản ứng nào, dù tổng hợp chất kiến tạo hay trung hòa độc chất ngoại sinh, muốn được thực hiện với chất lượng như mong muốn đều cần có sự hiện diện của phân tử nước! Thiếu nước thì phản ứng hoặc đình trệ hoặc biến thể. Không có ngoại lệ. Vì quá thông thường trong cuộc sống, lại thêm bề ngoài quá hiền lành, thậm chí ngay cả công thức hóa học cũng đơn giản - chỉ H2O nên nước thường bị quên lãng một cách đáng tiếc.

Đến thuốc cũng cần có nước

Chọn ngay trường hợp của người bệnh thì rõ. Viên thuốc uống vào muốn có tác dụng tối ưu phải đủ nước để thuốc được hấp thu qua ruột, vận chuyển vào máu, biến dưỡng ở gan, phân phối đến cơ quan có nhu cầu và đào thải qua đường bài tiết. Biết vậy nhưng không ít bệnh nhân tuy đang được điều trị đúng thuốc mà không hiệu quả chỉ vì thầy thuốc quên ghi nhận là bệnh nhân khô hơn… que củi. Rất thường khi chỉ cần bổ sung nước và chất điện giải thì toa thuốc trước đó chờ hoài không thấy tác dụng bỗng trở nên hiệu quả cấp kỳ. Tuy ai cũng hiểu uống thuốc phải uống nước nhưng đáng tiếc là rất nhiều bệnh nhân vẫn chưa được giải thích tường tận, uống là uống bao nhiêu, uống thế nào, uống nước loại gì để thuốc càng nên thuốc khi thuốc gặp nước. Thuốc mà thiếu nước, thuốc có khi thành thuốc… độc. Nhưng nước mà thiếu thuốc thì nước vẫn nên thuốc. Tất nhiên chỉ khi nước uống được đảm bảo chất lượng. Với nước giếng, nước máy ở nhiều nơi trên xứ mình, nước uống đồng nghĩa với rác dưới dạng lỏng. Bằng chứng là không thiếu bệnh nhân, phần lớn ở ngoại thành TP.HCM, chạy đủ thầy, uống đủ thuốc nhưng ngứa vẫn hoàn ngứa vì viêm da thần kinh. Ấy vậy mà bệnh lùi rất nhanh sau khi nạn nhân ngưng nước giếng và thay bằng nước tinh khiết.

Đó là lý do tại sao nước khoáng thiên nhiên đã và đang được hết sức chú trọng cho người bệnh ở các nước tiên tiến. Con người có thể nhịn đói nhiều ngày nhưng nhịn khát thì không! Cho dù thầy thuốc chọn đúng thuốc liệu có tác dụng không nếu tế bào - đơn vị của sự sống trong cơ thể người bệnh khát nước trầm trọng?!

Thuốc nào là thuốc “đầu tiên”? ảnh 2

 Nếu sự sống là hệ quả đúc kết từ hàng trăm ngàn phản ứng sinh hóa trong cơ thể con người thì nước tất nhiên phải giữ vai trò vô cùng quan trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm