Thương mại điện tử: Khó thu thuế từ cá nhân kinh doanh trực tuyến

(PLO)- Trong thương mại điện tử, việc quản lý về thuế đối với các cá nhân kinh doanh trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các cá nhân kinh doanh trực tuyến không đăng kí kinh doanh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-12, khoa Luật trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Pháp luật về quản lý thuế đối với chủ thể thực hiện hoạt động thương mại điện tử qua biên giới”.

thương mại điện tử
Thầy cô cùng các sinh viên tham dự buổi hội thảo “Pháp luật về quản lý thuế đối với chủ thể thực hiện hoạt động thương mại điện tử qua biên giới”.

Buổi hội thảo xoay quanh các vấn đề về hoàn thiện các quy định pháp luật, tìm ra giải pháp nhằm đảm bảo việc quản lý thuế đối với các chủ thể kinh doanh trên nền tảng số có quy mô xuyên quốc gia.

Cần có công nghệ để truy thu thuế đạt hiệu quả

Theo Th.S Nguyễn Nam Trung, Giảng viên khoa Luật, Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng phát triển nhanh chóng với các mô hình kinh doanh, hình thức tương tác mới, tạo ra rất nhiều lợi thế trong kinh doanh.

Thương mại điện từ xuyên biên giới đem lại nguồn thu nhập lớn cho rất nhiều cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên cũng mang đến nhiều thách thức đối với công tác quản lý thuế.

thương mại điện tử
Th.S Nguyễn Nam Trung trình bày tham luận tại hội thảo.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục thuế, tính tới đầu tháng 10/2023 đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng kí, kê khai và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, với số thuế thu được chỉ có 11.498 tỉ đồng. Trong khi đó, doanh thu từ các doanh nghiệp xuyên biên giới ước tính lên đến hơn hàng tỉ USD/năm.

Thực tiễn cho thấy các quy định pháp luật hiện hành về quản lý thuế vẫn chưa giải quyết được tất cả các vấn đề đang gặp phải và còn nhiều lỗ hổng cần khắc phục. Do đó, cần nhanh chóng có những giải pháp giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với các hoạt động cung ứng dịch vụ trên nền tảng số xuyên biên giới.

Trong đó, quan trọng nhất là cần xây dựng, phát triển hệ thống công nghệ thông tin để hỗ trợ và quản lý việc kê khai, tính thuế, nộp thuế một cách thuận tiện và đầy đủ.

Các ý kiến tại hội thảo cũng đồng thuận rằng, muốn truy thu thuế từ các nền tảng công nghệ, bắt buộc cơ quan quản lý phải có các công cụ công nghệ có thể bắt kịp sự phát triển của các nền tảng số hiện nay.

Dù vậy, thực tế cho thấy các cơ quan quản lý thường luôn đi sau doanh nghiệp về mặt công nghệ. Đó chính là thách thức vô cùng lớn trong công tác truy thu thuế từ các nền tảng số xuyên biên giới.

Khó thu thuế từ cá nhân kinh doanh trực tuyến

Thực tế cho thấy, việc quản lý về thuế đối với các cá nhân kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các cá nhân kinh doanh trực tuyến không đăng kí kinh doanh.

co-hoi-va-thach-thuc-khi-thu-thue-tu-cac-nen-tang-thuong-mai-dien-tu-3.jpeg
Th.S Nguyễn Thành Minh Chánh trình bày tham luận tại hội thảo.

Nói về nguyên nhân của vấn đề này, Th.S Nguyễn Thành Minh Chánh, Giảng viên khoa Luật – Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, cho rằng, các cá nhân hoạt động kinh doanh trên nền tảng trực tuyến với quy mô nhỏ lẻ, theo hình thức tự phát, không được coi là thương nhân thì sẽ không phải đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, việc phân biệt và quản lý đối với các đối tượng được coi là nhỏ lẻ trên với các thương nhân kinh doanh trực tuyến vẫn cần có cơ chế rõ ràng, minh bạch.

Trong khi đó, một số quy định pháp luật về vấn đề này còn chưa phù hợp và thiếu tính cập nhật. Điều này dẫn đến việc bỏ sót quản lý thuế đối với một đối tượng có số lượng đông đảo và hứa hẹn đóng góp không nhỏ trong tổng thể nền kinh tế quốc gia.

Do đó, cần xác định khái niệm thương mại điện tử và xác định chủ thể là cá nhân chịu thuế trong lãnh thổ Việt Nam và ngoài lãnh thổ Việt Nam, cũng như nguyên tắc tính thuế không có sự khác biệt giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống nhằm đảm bảo công bằng, hiệu quả. Để giải quyết điều này, cần phát triển một hệ thống thuế linh hoạt, minh bạch và khuyến khích sự tuân thủ.

Kinh doanh trên nền tảng số phải đóng những loại thuế nào?

Đến năm 2019, Luật Quản lý thuế bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới theo hướng quy định trách nhiệm kê khai, nộp thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.

Theo đó, nhà cung cấp ở nước ngoài có thể trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam. Thuế phát sinh từ hoạt động kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới.

Theo quy định hiện hành, thì loại thuế phát sinh từ hoạt động kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng .

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm