Ngày 16-11, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH để cho ý kiến một số nội dung lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
“Ưu tiên chất lượng lên hàng đầu”
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng việc thông qua dự thảo luật được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát huy có hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Dù vậy, quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ dự thảo luật còn cần thêm thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của dự án luật.
Theo thường trực cơ quan thẩm tra dự án luật, với vai trò hết sức quan trọng của Luật Đất đai, chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, tránh trường hợp luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.
“Thường trực Ủy ban Kinh tế báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ QH xem xét, báo cáo QH xem xét, chưa thông qua dự thảo luật tại kỳ họp thứ sáu (dự kiến vào ngày 29-11-2023)” - ông Thanh nói.
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ lưu ý còn 22 nội dung có phương án khác nhau, đang xin ý kiến. Trong đó có sáu nội dung đã trình cấp có thẩm quyền. Ông cho hay Ủy ban Thường vụ QH và Chính phủ đã đồng tình, thống nhất chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này mà chuyển sang kỳ họp gần nhất.
“Đây là dự án luật rất quan trọng, rất hệ trọng cho nên chúng ta đặt sự ưu tiên chất lượng lên hàng đầu” - Chủ tịch QH nhấn mạnh và yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.
“Chúng ta đã có tiền lệ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh chuyển sang kỳ họp bất thường chỉ có mấy ngày, chúng ta vẫn làm được. Quy định về trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng không có vấn đề gì” - ông Vương Đình Huệ nói thêm và đề nghị Ủy ban Kinh tế tham mưu cho Thường vụ QH có văn bản xin ý kiến Chính phủ về những vấn đề đặt ra tại phiên thảo luận này.
"Ép dầu ép mỡ đừng nỡ ép luật"
Dự thảo sau khi được tiếp thu, chỉnh lý trình Ủy ban Thường vụ QH lần này vẫn còn 14/26 nội dung thể hiện hai phương án, trong đó có quy định phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng (Điều 159 dự thảo).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay trên cơ sở các ý kiến, dự thảo tiếp tục thiết kế hai phương án.
Phương án 1, quy định tại luật về nội dung phương pháp định giá đất nhưng giao Chính phủ quy định trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Chính phủ đề xuất theo hướng này.
Phương án 2, quy định tại luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp để bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ áp dụng. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định lựa chọn phương án 2.
Nhấn mạnh đây là vấn đề khó nhất của dự thảo, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết cá nhân ông đồng ý phương án 2.
“Quy định trong luật thì ở dưới mới làm được, mới bảo vệ được cán bộ” - người đứng đầu QH nói.
Ông lưu ý có tới bốn phương pháp định giá đất, trong khi nghị định của Chính phủ không phải là luật, cũng chỉ đưa hướng dẫn. “Càng công khai, minh bạch càng tốt. Không có lý do gì không quy định trong luật cả”- theo Chủ tịch QH.
Ông Vương Đình Huệ cho rằng ít nhất luật cũng nêu các phương pháp định giá đất, điều kiện áp dụng, nguyên tắc lựa chọn như thế nào. Nếu không, “cơ quan kiểm toán, thanh tra hỏi tại sao không chọn phương pháp này mà chọn cái kia. Phương pháp kia cao hơn một đồng cũng chết rồi”.
Liên quan đến Quỹ Phát triển đất, dự thảo cũng đang thể hiện theo hai phương án. Trong khi Chính phủ đề xuất giữ quy định tại Điều 115 về Quỹ Phát triển đất, thường trực cơ quan thẩm tra đề xuất bỏ điều này và nghiên cứu theo hướng ghép chức năng, nhiệm vụ của Quỹ Phát triển đất trong dự thảo vào tổ chức phát triển quỹ đất.
Cũng theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, dự thảo luật đang quy định Quỹ Phát triển đất là quỹ tài chính ngoài ngân sách có nhiều nội dung khác so với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công… “Việc dự thảo Luật dự kiến sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước sẽ tạo tiền lệ làm sai lệch nguyên tắc quản lý của ngân sách nhà nước đối với các quỹ tài chính ngoài ngân sách” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.
Nêu quan điểm, Chủ tịch QH cho hay ông đồng tình với đề xuất của thường trực cơ quan thẩm tra. Ông cũng lưu ý nếu cần có thể xây dựng đề án thí điểm “ngân hàng đất đai”. “Các cụ bảo ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên. Ép duyên chỉ có ảnh hưởng đến hai người, còn ép luật là ảnh hưởng đến cả nước” - Chủ tịch QH nói và nhắc lại tinh thần nghị quyết Trung ương “cái gì đã chín, đã đủ rõ thì đưa vào luật, cái gì chưa chín, chưa đủ rõ thì tiếp tục nghiên cứu, cái gì cần thực hiện thì thí điểm”.
Xem xét cấp sổ hồng cho người sử dụng đất không giấy tờ
trước ngày 1-7-2014
Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất (còn gọi là sổ hồng) không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền, ông Vũ Hồng Thanh cho hay dự thảo trình QH tại kỳ họp thứ sáu thiết kế hai phương án. Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ QH lựa chọn phương án 1 trong khi đại biểu QH không phát biểu ý kiến về lựa chọn phương án với nội dung này.
Tiếp thu ý kiến đa số trong Ủy ban Thường vụ QH, dự thảo luật quy định về xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đến trước ngày 1-7-2014.
Để giải quyết căn cơ vấn đề này, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm hiệu lực pháp lý của quy định.