Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa cho biết: Đến hết tháng 9, thời tiết khô hạn vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều hồ thủy điện trên cả nước, lượng nước về vẫn ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm.
Đặc biệt, trên lưu vực sông Đà, lượng nước về các hồ chứa lớn ở phía bắc (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình) và nhiều hồ thủy điện tại khu vực Nam Trung bộ ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Chỉ riêng một số hồ chứa ở các lưu vực Tây Nguyên và Nam bộ (như hồ Sêrêpôk, Trị An...) phải xả điều tiết để đảm bảo mực nước giới hạn theo quy định.
Tính đến tháng 10-2019, mức nước của 26/37 hồ chứa thủy điện của EVN ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Chín tháng đầu năm 2019, điện sản xuất từ các nhà máy thủy điện đạt 51,98 tỉ kWh, giảm 18,3% (giảm 11,7 tỉ kWh) so cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, điện sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện than tăng 35% so cùng kỳ năm 2018.
Các nguồn điện từ nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) vẫn chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng sản lượng điện.
Hiện nay, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống là 13,2 tỉ kWh, trong đó EVN phải huy động các nguồn điện dầu là 178 triệu kWh. Đây là nguồn điện có giá rất cao, từ 5.000-6.000 đồng/kWh.
Theo dự báo của EVN, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch vận hành hệ thống điện trong ba tháng cuối năm 2019 của EVN sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Tập đoàn này cho rằng nhu cầu điện dự báo tiếp tục tăng trưởng cao, trong khi hệ thống điện hầu như không có dự phòng nguồn điện. Bên cạnh đó, mực nước các hồ thủy điện đang ở mức rất thấp, đặc biệt các hồ thủy điện lớn trên dòng sông Đà đang ở gần mức nước chết; việc cung ứng than cho phát điện hết sức khó khăn, bên cạnh đó các nhà máy nhiệt điện đã phải huy động cao trong chín tháng qua.
"Các nguồn điện chạy dầu dự kiến sẽ phải huy động cao trong ba tháng cuối năm sẽ là thách thức lớn đối với tình hình tài chính của tập đoàn" - EVN cho hay.