Trong khi Thủy quân Lục chiến Mỹ đã quen với chiến thuật chống phiến quân tại chiến trường ở Iraq và Afghanistan, những cuộc xung đột trong tương lai lại có xu hướng xảy ra tương tự như khủng hoảng an ninh ở Đông Âu và cuộc chiến tại Syria. Liệu quân đội Mỹ có kịp thích ứng để "tồn tại" trước các mô hình xung đột và chiến tranh mới?
“Chúng tôi đang trong quá trình xem xét cơ cấu trúc toàn bộ quân đội dự định sẽ thiết lập được vào năm 2025” - Tướng Robert Neller - chỉ huy Thủy quân Lục chiến phát biểu vào hôm 9-8. “Chúng tôi nhận ra rằng quân đội Mỹ chưa giải quyết được nhiều thử thách an ninh. Trong đó có chiến thuật chống tiếp cận chống xâm nhập (A2/AD của Trung Quốc) và những đối thủ có sức mạnh quân sự tương xứng”.
Theo ông Neller, tại các chiến trường Iraq và Afghanistan, Thủy quân Lục chiến Mỹ thời gian qua không cần phải sử dụng nhiều kỹ năng chiến đấu truyền thống mà các lực lượng mặt đất thường phải áp dụng. Chẳng hạn như học cách sử dụng sơn và lưới ngụy trang, cách tồn tại và tác chiến lâu dài trên chiến trường và cách xác định phương hướng tại chiến trường lạ.
Hơn nữa, Thủy quân Lục chiến Mỹ không có nhiều cơ hội để thực chiến cơ động trên quy mô lớn, phối hợp đồng loạt nhiều phương tiện khí tài và binh chủng để chống lại những mối đe dọa mới ngày càng nguy hiểm. Ngoài ra, còn có những phương diện chiến đấu mới toanh mà Thủy quân Lục chiến Mỹ mới bắt đầu tiếp cận, chẳng hạn như chiến tranh mạng.
Liệu quân đội Mỹ có kịp thích ứng để "tồn tại" trước các mô hình xung đột và chiến tranh mới?
Theo Tướng Robert Neller, Thủy quân Lục chiến Mỹ đang có hai kịch bản tái cơ cấu trong tương lai. Lực lượng này đang cố gắng tích hợp thành một kế hoạch toàn diện hơn. Tuy nhiên, binh chủng này gần đây cũng đã thực hiện một số bước chuẩn bị cho việc chiến đấu với những đối thủ "xứng tầm".
Theo ông Neller, binh chủng này của Mỹ đang học theo các lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine, tích hợp rất nhiều chiến thuật chiến tranh hỗn hợp vào trong việc huấn luyện cấp trung đoàn. Chiến thuật này bao gồm việc sử dụng chiến tranh mạng và tác chiến điện tử để hỗ trợ các phương tiện chiến đấu truyền thống.
Tướng Neller cho biết chiến thuật A2/AD cũng là thách thức lớn đối với Thủy quân Lục chiến Mỹ trong các chiến dịch tấn công đổ bộ. Ông Neller lưu ý rằng Hải quân và các tàu sân bay Mỹ cần phải "dọn đường" trước khi Thủy quân Lục chiến đổ bộ.
Tuy nhiên, ngay cả khi lớp phòng thủ từ của đối phương đã bị đánh bại, Thủy quân Lục chiến Mỹ vẫn phải đối mặt với những "cánh đồng mìn" dày đặc bên bờ biển. Neller cho biết: “Chúng tôi vẫn cố gắng tìm phương cách hóa giải các bẫy mìn. Khu vực khó giải quyết nhất là vùng nước nông mà các tàu đổ bộ phải đi qua ngay trước khi đến vùng tập kết”.
Lần đầu tiên trong nhiều thập niên, Thủy quân Lục chiến Mỹ phải xây dựng chiến thuật đối phó trường hợp lực lượng mặt đất bị tấn công bởi không quân của kẻ địch, hoặc trung tâm thông tin liên lạc bị trục trặc bởi các đối thủ nắm trong tay khả năng tác chiến mạng ngang tầm.
Thủy quân Lục chiến Mỹ là sẽ phải tìm cách thích ứng với kỷ nguyên mới của những xung đột. Tờ National Interest nhận định những thách thức này có tính chất tương tự với thời kỳ Chiến tranh lạnh trong một vài khía cạnh nhưng độ phức tạp và tinh vi lại cao hơn nhiều.