Đó là thực trạng mà Sở KH&CN TP.HCM báo cáo trong bản tổng kết thực hiện Nghị định 115/2013 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ, tịch thu do thủ tục hành chính.
Trong sáu tháng đầu năm 2019, sở này tổ chức 334 cuộc kiểm tra chuyên ngành đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với xăng dầu, điện-điện tử, hàng gói đóng sẵn, đồ chơi trẻ em… và về an toàn bức xạ.
Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện 47 đơn vị vi phạm chủ yếu về nhãn hàng hóa, chất lượng sản phẩm… Sở có một kho tạm giữ tang vật vi phạm đặt tại khuôn viên làm việc của cơ quan. Kho này được lắp đặt thiết bị bảo đảm an toàn về PCCC…
Ảnh minh họa
Theo thống kê, việc xử lý VPHC thuộc thẩm quyền của sở này chủ yếu là phạt tiền và các hình phạt bổ sung như thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh có thời hạn, khắc phục hậu quả đối với sai phạm, không có trường hợp nào bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính của Nghị định 115.
Điều này được Sở KH&CN lý giải là Sở gặp khó khăn, vướng mắc khi chưa có đủ điều kiện cơ sở vật chất để bảo quản hàng hóa đặc thù như xăng dầu, hóa chất… Do đó, Sở không áp dụng hình thức tịch thu, tạm giữ tang vật mà chỉ thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh có thời hạn, buộc khắc phục hậu quả đối với sai phạm…
Từ đó, Sở đề nghị hoàn thiện quy định hiện hành trong hoạt động tịch thu, bảo quản và xử lý tang vật VPHC. Đặc biệt là những hàng hóa dễ gây nguy hại như xăng dầu, hóa chất hoặc hàng hóa dễ hư hỏng như thực phẩm tươi sống... Sở cũng đề nghị hỗ trợ về nguồn lực, kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác quản lý, bảo quản tang vật tạm giữ, tịch thu theo quy định hiện hành.