Ngày 5-10, tin PGS.TS.LS Phạm Hồng Hải qua đời ở Hà Nội, hưởng thọ 74 tuổi dù ông đã vắng mặt trong một thời gian dài do bạo bệnh nhưng vẫn làm cho nhiều người bàng hoàng, thương tiếc.
20 năm trước, năm 2004, tôi gặp ông cùng luật sư Trần Vũ Hải và Bùi Đức Trường trong vụ án “Vườn điều” nổi tiếng ở Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận. Khi đó, Luật sư Phạm Hồng Hải sở hữu bộ râu cắt tỉa tỉ mỉ, khuôn mặt góc cạnh như một diễn viên điện ảnh, mặc suit chỉn chu dù thời điểm các phiên tòa xét xử ở Bình Thuận đều nắng nóng như đổ lửa.
Ông là luật sư tham gia giảng dạy và hướng dẫn luận văn thạc sĩ tại các trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia, Học viện Tư pháp, Đại học Luật TP.HCM…nhiều người là thẩm phán, công tố đều là học trò của ông.
Tuy nhiên khi tranh tụng, luật sư Phạm Hồng Hải không bao giờ lên giọng, ông đưa ra các lập luận sắc bén với giọng nói nhỏ nhẹ, xưng hô rất tôn trọng và chính những điều này đã đã làm những học trò “đang ngồi cao” hơn ông nể trọng.
Còn nhớ, trong vụ án “Vườn điều” để bảo vệ cho 9 người thuộc 3 thế hệ trong một gia đình bị kết án oan, luật sư Phạm Hồng Hải đã dày công nghiên cứu để bất ngờ tung ra những luận cứ thuyết phục, kiến nghị trả hồ sơ để Bộ Công an chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát thành lập Ban chỉ đạo điều tra lại vụ án.
Đó là yêu cầu giám định lại “con dao” gây án sau 5 năm chôn dưới đất từ 1993 đến 1998 đã biến thành những mảnh kim loại gỉ sét; thời gian nạn nhân tử vong và mức độ phát triển giòi bọ trên tử thi…
Điều mà nhiều người tham dự phiên tòa “Vườn điều” có lẽ sẽ không bao giờ quên đó là lời khai của nhân chứng Y. Nhân chứng Y là người cho rằng mình đã viết giùm nạn nhân đơn xin ly dị chồng và viết thư để nạn nhân hẹn gặp người tình và dẫn đến án mạng.
Tại phiên toà phúc thẩm lần 2, bà Y khai mình là người viết giùm nạn nhân lá thư hẹn hò tại vườn điều và nhớ rất rõ ngày viết thư là ngày 26-3-1993, bởi bà Y sinh đứa con thứ ba khoảng 20 ngày sau thì viết giúp nạn nhân lá thư này.
Lập tức, luật sư Phạm Hồng Hải “khóa chặt” lời khai của nhân chứng này vì thực tế ngày sinh con của nhân chứng này được ghi trong giấy khai sinh là ngày 12-3-1993. Trong khi thời gian phát hiện thi thể nạn nhân là ngày 21-5-1993.
Khi nhân chứng Y cho rằng mình nhớ nhầm ngày âm lịch cũng là lúc luật sư Phạm Hồng Hải xin chủ tọa phiên tòa đứng lên và khẳng định năm 1993 là năm Quý Dậu và năm âm lịch này là năm nhuận nên có đến 2 tháng ba trong một năm, do đó lời khai của nhân chứng là rất mâu thuẫn.
Chính những lập luận và kiến nghị sắc bén này mà sau đó Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kết luận lời khai của nhân chứng Y ở các thời điểm khai báo đều không thống nhất, luôn thay đổi, mâu thuẫn về thời gian, do vậy không đảm bảo yếu tố khách quan…
Sau đó các bị cáo trong vụ án “Vườn điều” đều được tự do, bồi thường oan sai và tiếp theo là vụ án Huỳnh Văn Nén.
Sau đó, luật sư Phạm Hồng Hải cho ra mắt cuốn sách “Vụ án vườn điều - từ những góc nhìn” do Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản. Ông cho biết sẽ tiếp tục viết sách và đặc biệt là tiếp tục theo đuổi hành trình kêu oan cho Huỳnh Văn Nén. Tuy nhiên hành trình của ông mới đi được một chặng đường thì năm 2012, luật sư Phạm Hồng Hải bị tai biến và 3 năm sau (2015), ông Huỳnh Văn Nén được trả tự do sau hơn 17 năm ngồi tù trong vụ án “Vườn điều” và vụ sát hại bà Lê Thị Bông vào năm 1998.
Sau này, những người được giải oan trong vụ án “Vườn điều” và ông Huỳnh Văn Nén đã ra Hà Nội thăm luật sư Phạm Hồng Hải. Mọi người được ông ân cần đón tiếp, ông vẫn say sưa nói về những mơ ước, niềm đam mê hành nghề luật sư của mình.
Và đến hôm nay, dù những ước mơ ấy đã tắt nhưng ông đã để lại một "gia tài” đồ sộ với hàng trăm đầu sách mà ông đã viết và đã truyền cảm hứng cho các thế hệ luật sư trẻ về ông, luật sư Phạm Hồng Hải, một luật sư tử tế.