'Tiêm vaccine tới đâu an toàn tới đó'

Ngày 16-5, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận 1.682.400 liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca đợt 2 do COVAX Facility tài trợ để triển khai tiêm chủng trên toàn quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo: “Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, đơn vị chuẩn bị ngay kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 3, rà soát tất cả điểm tổ chức triển khai tiêm chủng trên địa bàn, trong đó sẽ mở rộng đối tượng và phạm vi tiêm chủng. Việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đợt 3 tiếp tục được thực hiện với phương châm tiêm vaccine đến đâu an toàn đến đó, đảm bảo an toàn và độ bao phủ tiêm chủng”.

Việt Nam sẽ tiếp tục nhận 1.682.400 liều vaccine phòng COVID-19
của AstraZeneca đợt 2 do COVAX Facility tài trợ vào ngày 16-5.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Nỗ lực mang vaccine về Việt Nam

GS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, khẳng định: “Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và khu vực với hơn 3 triệu ca tử vong, chúng ta cần chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Do đó, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 là hết sức cần thiết để tăng tỉ lệ miễn dịch trong cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và để Việt Nam không bị rơi vào tình trạng phong tỏa như nhiều quốc gia khác trên thế giới”.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực, khẩn trương đàm phán, làm việc với nhiều quốc gia, tổ chức, nhà sản xuất và đã có khoảng 110 triệu liều vaccine cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021 gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ Astra Zeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vaccine theo cơ chế chia sẻ chi phí (cost share).

Các nguồn vaccine khác của Moderna, Johnson&Johnson và của các quốc gia như Đức (CureVac), Nga (Spunik V), Trung Quốc (Sinopharm) vẫn đang được Bộ Y tế tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất với mục tiêu đa dạng hóa nguồn vaccine để phục vụ người dân.

 

Xét nghiệm thần tốc, Đà Nẵng thưởng nóng cho Sơn Trà và CDC

Sáng 14-5, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đến thăm, động viên tinh thần phòng chống dịch COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng và UBND quận Sơn Trà.

Trước thành tích lập kỷ lục lấy gần 22.000 mẫu xét nghiệm trong một ngày trên toàn địa bàn TP, ông Quảng thay mặt lãnh đạo TP trao thưởng cho hai đơn vị trên, mỗi đơn vị 100 triệu đồng.

Ngay khi có thông tin ca bệnh ở Công ty cổ phần Dịch vụ Trường Minh trong Khu công nghiệp (KCN) An Đồn, quận đã tập trung toàn bộ lực lượng với sự hỗ trợ của ngành y tế TP phong tỏa tạm thời KCN.

Toàn bộ người trong KCN và các khu vực xung quanh được lấy mẫu xuyên đêm. Qua hai đêm liên tục, ngành y tế đã lấy mẫu toàn bộ công nhân KCN, tiến hành xét nghiệm toàn bộ và đến thời điểm này đều đã có kết quả âm tính.

Ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng, cho biết ngay từ đợt dịch thứ hai năm 2020, công tác xét nghiệm của Đà Nẵng là một trong những điểm sáng trong cả nước vì đã tiến hành hình thức gộp mẫu xét nghiệm.

Việc xét nghiệm tại CDC Đà Nẵng đang được đẩy mạnh thêm một bước nữa là gộp 10 mẫu, có khả năng trong phòng thí nghiệm có thể gộp hai ống 10 mẫu lại thành 20 mẫu. Việc này vừa tiết kiệm, vừa đẩy nhanh được kết quả xét nghiệm.

Bí thư Đà Nẵng hy vọng, TP có thể thực hiện được tới 25.000 mẫu xét nghiệm trong một ngày.

Xây dựng kịch bản xét nghiệm trong tình huống cả nước có 30.000 ca

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã nhấn mạnh tại cuộc họp trực tuyến Hướng dẫn triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2, ngày 14-5.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết Việt Nam có 175 phòng xét nghiệm thực hiện kỹ thuật Realtime
RT-PCR, với công suất 65.793 mẫu (đơn)/ngày, trong trường hợp cần thiết có thể nâng công suất lên 1,5-2 lần để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Phát biểu từ điểm cầu nơi thực hiện cách ly y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng: Với 175 phòng xét nghiệm là số lượng lớn nhưng phải đi đôi với chất lượng tốt, đảm bảo quy trình xét nghiệm (nội kiểm, ngoại kiểm) phải đúng quy định.

“Hiện một số cơ sở y tế, kể cả bệnh viện lớn vẫn chưa làm được xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR. Trong khi đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở trên 300 giường bệnh bắt buộc có phòng xét nghiệm khẳng định. Do đó, đây là việc cấp thiết phải thực hiện để đảm bảo nâng cao năng lực xét nghiệm trên toàn quốc” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định: Đến nay, Việt Nam có đầy đủ các kỹ thuật xét nghiệm để phát hiện, chẩn đoán virus SARS-CoV-2. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị, địa phương, các cơ sở xét nghiệm cần nghiên cứu kỹ hướng dẫn của Bộ Y tế, lựa chọn phương án triển khai xét nghiệm phù hợp với địa phương, đơn vị mình; Cục Y tế dự phòng chủ động rà soát các hướng dẫn của Bộ Y tế cho phù hợp với nhu cầu xét nghiệm trong tình hình hiện nay; cần xây dựng kịch bản xét nghiệm cụ thể, chi tiết trong tình huống toàn quốc có 30.000 người mắc; thành lập ngay tổ tư vấn để xây dựng hướng dẫn cụ thể hơn về xét nghiệm trong tình hình mới; phối hợp Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức về xét nghiệm cho địa phương.

Đối với các địa phương cần chủ động, khẩn trương chuẩn bị máy móc, thiết bị cho nhu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo tinh thần “bốn tại chỗ”, không để thiếu hụt khi dịch lan rộng trong cộng đồng hay diễn biến dịch xấu hơn, việc mua bán cần công khai, minh bạch, tránh lãng phí, tránh tiêu cực, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.•

 

Dịch COVID-19 ở Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Ninh vẫn chưa hạ nhiệt

Trong ngày 14-5, Việt Nam ghi nhận 104 ca mắc trong nước.

Sau 10 ngày tích cực truy vết, khoanh vùng, bốn ngày trở lại đây các ca mắc mới được công bố đa phần đã được cách ly từ trước, bốn ổ dịch lớn cơ bản đã được kiểm soát và dần đi vào ổn định tại các địa phương như Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… các tỉnh, thành như Hải Phòng, Đắk Lắk, Phú Thọ, Lạng Sơn... số mắc không tăng thêm. Hiện diễn biến chỉ còn đáng ngại ở Hà Nội, Bắc Ninh và Đà Nẵng.

Riêng trong ngày 14-5, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh thông báo có thêm 21 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc tại địa phương này lên 162 ca kể từ ngày 5-5. Ổ dịch lớn của Bắc Ninh là ổ dịch Thuận Thành, dịch phức tạp hơn khi liên quan đến hai công ty Canon Việt Nam (KCN Quế Võ) và KCN Thuận Thành 2.

Tại Hà Nội, diễn biến dịch khá căng thẳng khi mỗi ngày địa phương này ghi nhận trung bình 5-7 ca mắc mới, đáng lo ngại các ca mắc nằm rải rác, phức tạp.

Đơn cử như ca mắc ở xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, từ Đà Nẵng về đã làm lây lan dịch cho hơn 10 người, trưa 14-5, CDC Hà Nội cho biết trong ngày ghi nhận bốn ca bệnh mới dương tính với SARS-CoV-2 tại Công ty cổ phần Tập đoàn quốc tế Sland (thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín), liên quan đến bệnh nhân trên.

Hay vợ chồng giám đốc Công ty Hacinco (BN3633 và BN3634) từ Đà Nẵng về nhưng khai báo y tế không trung thực làm Khoa cấp cứu của BV Việt Xô bị phong tỏa. Hơn nữa đã có ba người lây dịch từ hai vợ chồng trên dẫn đến hệ quả nhiều chung cư tại Hà Đông bị phong tỏa.

Mới nhất, CDC Hà Nội thông báo có thêm về hai trường hợp mắc COVID-19 mới đi cùng chuyến bay với vợ chồng giám đốc Công ty Hacinco, đáng lưu ý có một bác sĩ làm việc tại BV Phổi trung ương.

Tại Đà Nẵng, ngày 14-5 ghi nhận thêm ba ca mắc mới, trong đó có hai vợ chồng đi cùng chuyến bay với hai chuyên gia Trung Quốc trên chuyến bay Đà Nẵng - Hà Nội ngày 29-4.

Hiện Đà Nẵng đang điều trị cho 146 bệnh nhân COVID-19, bao gồm cả trường hợp nhập cảnh, trong đó 10 bệnh nhân đã âm tính lần một, hai bệnh nhân âm tính lần hai với COVID-19.

5.282 trường hợp F1 và F2 tại thực hiện cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở y tế và cách ly tại nhà. Tổng số lượt người được xét nghiệm trong ngày là 22.314. Với tinh thần khẩn trương truy vết, nhanh chóng khoanh vùng nguy cơ, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời, các “ổ dịch” tại Đà Nẵng đến nay cơ bản được kiểm soát.

TÂM AN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm