Linh cữu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý giờ đang được an táng tại nghĩa trang hoa viên Bình Dương sau khi tạm biệt Sài Gòn với lễ động quan ở Nhà tang lễ TP.HCM vào 7 giờ sáng nay (29-12).
Đại diện Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc TP.HCM, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM tại lễ tiễn đưa nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vào sáng 29-12. Ảnh: HỮU KHOA
Như chia sẻ của nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Linh, con gái thứ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, thì ước mong lớn nhất của gia đình là được mở những bài hát của ông ở lễ tang ông.
Tuy nhiên, nghi thức lễ tang ở nhà tang lễ cũng có những quy chuẩn riêng, chính vì thế khi linh cữu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được di quan từ nhà tang lễ ra xe để đến nghĩa trang hoa viên Bình Dương, gia đình đã mở những nhạc phẩm của ông bằng loa cầm tay với giọng ca của NSND Thu Hiền.
Nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Linh đại diện gia đình nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nói lời cám ơn. Ảnh: HỮU KHOA
NSND Thu Hiền cũng là một tên tuổi thể hiện thành công rất nhiều nhạc phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Trong sổ tang, nghệ sĩ này cũng đã viết: “Cháu Thu Hiền mong bác thanh thản. Bác đã để lại cho cuộc đời những ca khúc bất hủ. Cháu vô cùng tự hào đã thể hiện Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh của bác. Cháu luôn yêu kính bác Tý”.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn là trưởng ban tang lễ của lễ tang nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ảnh: QUỲNH TRANG
Trong lễ truy điệu nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, trưởng ban lễ tang, cũng đã đọc điếu văn tiễn biệt nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.
“Vĩnh biệt nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, chúng ta sẽ nhớ mãi một người con của đất nước đã đem cuộc đời và tình yêu của đời mình dồn hết trong một chuyến phiêu du từ Nam ra Bắc. Và cuối cùng, ông đã trở về vĩnh cửu với hành trang trĩa nặng những sáng tác của nỗi niềm, của thân phận, của tình yêu” - nhạc sĩ Trần Long Ẩn xúc động nói.
Hai người con gái của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đều xúc động mỗi lần nghe ca khúc Mẹ yêu con, vì thế gia đình đã chọn bản nhạc này để tiễn đưa ông. Ảnh: QUỲNH TRANG
Trong điện chia buồn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng nhắc nhớ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là nhạc sĩ tiền bối có công thành lập nên Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào năm 1957. Sau khi đọc điện chia buồn, bà Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Ủy viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, gọi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là “Nhạc sĩ của nhân dân”.
Đại diện gia đình nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, chị Nguyễn Thái Linh (con gái ông) cũng đã có lời cám ơn các cơ quan, đoàn thể, cá nhân… đã đến chia buồn, tiễn đưa nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về nơi an nghỉ.
Chị Nguyễn Thị Như Mỹ, con gái đầu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, không kịp dự lễ nhập liệm nhưng kịp từ Hà Nội vào lo tang sự và đưa tiễn cha suốt những ngày qua. Trong chia sẻ riêng, chị cũng cho biết nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thường băn khoăn không biết sau này có còn ai hát nhạc của mình.
Cả hai người con gái của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đều xúc động mỗi lần nghe ca khúc Mẹ yêu con, vì thế gia đình đã chọn bản nhạc này để tiễn đưa ông.
NSƯT Thanh Thúy tại lễ tiễn đưa nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ảnh: HỮU KHOA
NSƯT Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, phó ban lễ tang của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, cũng tâm tình: “Dẫu biết quy luật sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường, tôi vẫn thấy đau đớn khôn nguôi trước mất mát này. Từ bài Dư âm vào những năm 1950, ông đã để lại cho nhạc Việt quá nhiều tác phẩm giá trị. Làm sao quên được những Bài ca năm tấn, Cô nuôi dạy trẻ, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh... Đến giờ sau hơn nửa thế kỷ ra đời, những bài hát ấy vẫn còn vọng vang trên các diễn đàn âm nhạc, được nhiều người ngân nga...”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ra đi nhưng vẫn còn hàng chục ca khúc của ông chưa được công bố. Ảnh: QUỲNH TRANG
Trong khoảng 50 người có mặt tại Nhà tang lễ TP.HCM để tiễn đưa nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, có vị luật sư đang giữ gia tài hơn 120 ca khúc của nhạc sĩ. Con số này cao gấp đôi số ca khúc mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đang ủy thác cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu hộ chi phí tác quyền.