Tiến sĩ nước ngoài tranh chấp tài sản 400 tỉ với vợ Việt

Chiều 10-4, TAND TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm giải quyết tranh chấp tài sản giữa ông Chang Koon Yuen (65 tuổi, quốc tịch Singapore) và vợ cũ là bà Châu Hồng Loan (58 tuổi) theo đơn kháng cáo nguyên đơn. Khối tài sản tranh chấp giữa hai người từng là vợ chồng này lên đến 400 tỉ đồng.

Cũng như phiên sơ thẩm, phía bị đơn có đơn xin xét xử vắng mặt. Phiên xử chỉ diễn ra với sự trình bày kháng cáo của đại diện ông Yuen. Tuy nhiên sau một buổi làm việc, HĐXX quyết định tạm ngừng phiên toà một tuần để thẩm định một số chứng cứ vụ án.

Đòi chia 80% khối tài sản 400 tỉ

Đầu năm 2018, ông Yuen đã khởi kiện vụ án tại TAND quận 2. Theo đó, nguyên đơn trình bày ông Yuen tốt nghiệp tiến sĩ kỹ thuật tại Anh 36 năm trước. Và quyết định đến Việt Nam đầu tư và làm việc từ những năm đầu mở cửa. Đến năm 1995, ông và bà Loan quen nhau.
Sau một năm tìm hiểu, cả hai chung sống với nhau. Đến năm 2003, cả hai mới đăng ký kết hôn và có 3 người con gái. Quá trình chung sống sau phát sinh nhiều mâu thuẫn nên đến tháng 4-2016 vợ chồng ra toà ly hôn. Về tài sản do không thỏa thuận được nên ông Yuen khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung.
Nguyên đơn cho rằng tài sản chung gồm 8 bất động sản (trong đó có 4 nhà đất tại phường Thảo Điền, quận 2) và phần vốn góp cùng giá trị tài sản tại hai công ty. Về sau, ông chỉ yêu cầu chia tài sản là các bất động sản.

Tiến sĩ nước ngoài tranh chấp tài sản 400 tỉ với vợ Việt ảnh 1
Ảnh minh hoạ thoả thuận tài sản vợ chồng trong hôn nhân.

Theo đó, ông Yuen cho rằng việc tạo lập và phát triển khối tài sản chung trên chủ yếu đều nhờ công sức, trình độ và chuyên môn của mình nên yêu cầu được hưởng 80% giá trị tài sản. Quá trình chung sống do tin tưởng bà Loan, hơn nữa ông là người nước ngoài không hiểu rõ tiếng Việt nên đã ký các văn bản thỏa thuận tài sản vợ chồng giao cho bà Loan đứng tên, quản lý các nhà đất. Do đó, ông yêu cầu tòa hủy các văn bản này.
Cũng theo ông những tài sản này được hình thành trong thời kỳ hôn nhân nên bà Loan không được tự ý cho tặng. Ông yêu cầu tòa hủy các hợp đồng bà Loan đã tặng cho hoặc chuyển nhượng các bất động sản của vợ chồng cho mẹ ruột và người khác.

Còn phía bà Loan có các bản tường trình gửi toà cho rằng không có tài sản chung với ông Yuen. Vì thế nên khi ly hôn bà không yêu cầu chia tài sản. Nay bà không đồng ý với tất cả các yêu cầu của nguyên đơn.

Diễn giải bà Loan cho là căn nhà trên đường Bàu Cát (quận Tân Bình) cùng khu đất tại Bình Dương và 4 nhà đất khác tại phường Thảo Điền (quận 2) là do bà đứng ra mua bằng tiền riêng và được ông Yuen công nhận là tài sản của vợ theo các thỏa thuận đã được công chứng trước đó. Trong đó có một căn hiện đã thuộc sở hữu của mẹ bà. Hai bất động sản khác tại Hải Phòng và Hà Nội là do bà mượn tiền của người bạn để mua. 

Tại phiên xử sơ thẩm cuối năm 2018, phía ông Yuen cung cấp cho tòa các tài liệu là bản sao kê của ngân hàng thể hiện mẹ và chị gái ông nhiều lần gửi tiền vào tài khoản cho ông hàng chục tỉ đồng từ 2007 đến 2013. Theo nguyên đơn, những thời điểm này đều phù hợp với thời gian vợ chồng ông mua các bất động sản tại Việt Nam.

Được 6,3 tỉ đồng và phải trả nợ 7,7 tỉ

Sau nhiều ngày xét xử, TAND quận 2 chỉ chấp nhận một phần yêu cầu chia tài sản chung của ông Yuen với bà Loan. Cụ thể đó là hai bất động sản tại Hà Nội và Hải Phòng. Toà giao bà Loan được quyền sử dụng đối với hai lô đất này và có nghĩa vụ thanh toán nửa giá trị tài sản chung tương đương là hơn 6,35 tỉ đồng. 

Theo toà, căn cứ vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì mọi giao dịch và giấy chứng nhận tài sản đều do một mình bà Loan đứng tên. Tuy nhiên cả hai việc giao dịch này đều diễn ra trong thời kỳ hôn nhân giữa bà Loan và ông Yuen. Bà Loan cũng không có tài liệu chứng minh là tài sản riêng nên xác định là tài sản chung.

Hai bên đều không chứng minh được công sức đóng góp nhiều hơn trong việc tạo lập khối tài sản nên theo luật toà chia đôi. Do ông Yuen là người nước ngoài nên việc đứng tên tài sản theo quy định có một số hạn chế nên giao bà Loan sở hữu và hoàn trả giá trị ông được hưởng.

Đồng thời, toà cũng chấp nhận yêu cầu độc lập của một chủ nợ buộc bà Loan và ông Yuen có nghĩa vụ liên đới thanh toán 15 tỉ đồng gồm 6,6 tỉ nợ gốc và gần 8,9 tỉ lãi. Vì đây là khoản nợ trong thời kỳ hôn nhân vay mua hai bất động sản toà cho rằng tài sản chung trên.

Đối với sáu bất động sản còn lại gồm bốn nhà đất tại Thảo Điền (quận 2); một tại Bàu Cát (Tân Bình) và nhà đất tại Bình Dương, toà xác định không phải tài sản chung và không chấp nhận yêu cầu chia của ông Yuen. 

Theo toà, các bản sao kê phía nguyên đơn trình tại toà không có nội dung nào thể hiện mẹ và chị gái ông gửi tiền cho ông mua xây nhà hoặc đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Ông Yuen cũng không chứng minh được việc có đưa tiền cho bà Loan thông quan chuyển khoản cho bà hay cho bên bán các tài sản cho bà Loan...

Cạnh đó, việc nguyên đơn cho rằng bà Loan làm ăn thua lỗ không có điều kiện mua các bất động sản chỉ là phiến diện không có chứng cứ chứng minh. Đồng thời việc ông cho là bà Loan không có trình độ đại học, không có nghề nghiệp ổn định nên không thể tạo lập được khối tài sản như hiện nay cũng không thể chấp thuận.

Bởi tại thời điểm năm 2003 nếu bà Loan thực sự kinh doanh karaoke và khách sạn thì đây là nghề nghiệp và là một nghề có thu nhập ổn định. Việc không có bằng đại học không phải là căn cứ để xem xét bà có khả năng tạo lập tài sản hay không...

Việc đại diện ông Yuen cho là thân chủ của mình không biết tiếng Việt, không đọc và viết được bằng tiếng Việt. Mọi văn bản công chứng đều do bà Loan đề nghị ông Yuen ký và do tin tưởng ký mà không hiểu nội dung là không thể chấp nhận. Ông Yuen có trình độ tiến sỹ được cấp bằng tại Anh, là chuyên gia có trình độ cao.

Như vậy ông là người có nhận thức đầy đủ, trí tuệ minh mẫn, hiểu biết sâu rộng nên không thể xảy ra trường hợp ông kém hiểu biết hay thiếu suy nghĩ nghe lời bà Loan hay ai khác tuỳ tiện ký vào các văn bản. Đồng thời, ông cư trú tại Việt Nam từ 1986 đến nay và lập gia đình với bà Loan là người Việt.

Hơn 30 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam mà cho là ông không biết và không hiểu tiếng Việt là không có căn cứ. Các văn bản công chứng được lập vào những thời gian cách xa nhau, nhiều phòng chứng khác nhau trước mặt các công chứng viên là người khách quan khi xác lập văn bản công chứng nên không thể cho rằng ông Yuen đi tới các phòng công chứng này mà không biết mình đi đến đâu và để làm gì.

Cạnh đó, ông Yuen có bản tự khai cho rằng ký các văn bản thoả thuận tài sản với bà Loan nhằm hàn gắn hôn nhân. Tháng 5-2013, bà Loan nộp đơn xin ly hôn gửi đến toà án sau đó 5 tháng bà rút đơn. Trong khoảng thời gian này, ông ký các văn bản thoả thuận tài sản riêng với bà Loan.

Lời khai của ông cho là ký để chiều ý bà Loan nhằm hàn gắn chứng tỏ bản thân biết rõ nôi dung văn bản mình ký. Ngoài ra tại biên bản giải quyết việc thi hành án ông xác nhận đọc hiểu cũng như cuối văn bản tự viết ký tên "Tôi đã nghe, đọc và hiểu nội dung biên bản làm việc...." Điều này chứng tỏ ông rất thành thạo tiếng Việt, hoàn toàn nhận thức rõ những văn bản công chứng đã ký và phải chịu trách nhiệm về chữ ký cũng như sự xác nhận của mình.

Toà sơ thẩm cũng bác yêu cầu của nguyên đơn về việc huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà số S087823 do UBND quận 2, TP.HCM cấp; huỷ các văn bản công chứng thoả thuận tài sản vợ chồng; hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm