Bởi như chính lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên thừa nhận trong thông báo ngày 24-4: “UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ các bước theo đúng quy định… UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo khắc phục những thiếu sót để dự án được thực hiện theo quy định”.
Những thiếu sót ấy là gì? Là việc phá rừng phòng hộ để làm sân golf khi Thủ tướng chưa cho chuyển mục đích sử dụng đất, Bộ TN&MT chưa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, tỉnh chưa xác định giá đất, chưa làm thủ tục giao đất, chủ đầu tư cũng chưa làm thủ tục xin thuê đất.
Những thiếu sót ấy, thật không may, lại là những thiếu sót chết người liên quan đến việc thực thi pháp luật. Chưa nói gì xa xôi, chỉ đối chiếu với Quyết định 1946/2009 của Thủ tướng về phê duyệt sân golf đến năm 2020 thì Phú Yên đã làm sai.
Quyết định 1946 bảo rằng: Đối với những dự án trước năm 2009 đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nằm trong quy hoạch nhưng chưa triển khai thì phải tuân thủ mọi tiêu chí và điều kiện. Sân golf ở Phú Yên mãi năm 2015 mới khởi động. Vậy đương nhiên sân golf này phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật như được nói trong Quyết định 1946.
Quyết định của Thủ tướng nêu rõ tiêu chí rất quan trọng của một sân golf là không được sử dụng đất rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng để xây dựng sân golf. Chỉ lệnh của Thủ tướng rõ như ban ngày. Ấy vậy mà hàng trăm hecta rừng phòng hộ đã bị Phú Yên cho phép phá để làm sân golf. Phải chăng đây là hành động chống lại quyết định của Thủ tướng?
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà nói rằng: “Tỉnh muốn thúc đẩy phát triển du lịch. Thế nhưng trong quá trình triển khai thực hiện nếu có sai sót thì phải sửa thôi. Nhanh thì nhanh nhưng không ai nói nhanh thì phải làm sai, làm thiếu cả…”. Sửa sai thế nào đây khi việc cho phép phá rừng phòng hộ đã không được Quyết định 1946 của Thủ tướng cho phép? Sửa thế nào đây khi kể cả những quy định của Luật Đầu tư 2005, Luật Bảo vệ môi trường 2005, Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã không được tuân thủ một cách chặt chẽ.
Hay tỉnh Phú Yên đang tính vận dụng “cơ chế phạt cho tồn tại” vốn đang phá vỡ kỷ cương, tha hóa bộ máy công quyền? Nên nhớ tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội hồi tháng 11-2016, khi trả lời chất vấn đại biểu Dương Trung Quốc về tình trạng “phạt cho tồn tại”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Cần xử lý vấn đề này nghiêm túc, kịp thời, không để tồn tại những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực”.
Thật khó lấy lý do gì để có thể biện minh cho việc một cơ quan hành chính cấp tỉnh hiểu và áp dụng pháp luật như vậy.
Chiều 26-4, Thủ tướng Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ làm rõ vấn đề này. Công luận đang cần có những câu trả lời rõ ràng!