Tại cuộc họp mới đây, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai tiếp tục phát đi thông điệp “Sông Đồng Nai đang gánh chịu những áp lực khủng khiếp về ô nhiễm môi trường”. Nguyên nhân chính dẫn đến hậu họa trên xuất phát từ việc nhiều nhà máy, xí nghiệp vẫn đổ thẳng nước thải trực tiếp ra sông, chưa qua xử lý.
Ông Jacques Oudin, Chủ tịch Hội đồng cấp cao về hợp tác và phát triển kinh tế Pháp-Việt kiêm Chủ tịch Hội đồng quốc gia ngành nước của Pháp, trong trả lời phỏng vấn trước đây đã từng cảnh báo với chúng ta rằng “Nếu không thay đổi cách quản lý, sông Đồng Nai có thể trở thành con sông chết”. Bảy năm trước, các nhà khoa học thuộc Viện TN&MT - ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã cảnh báo về việc ô nhiễm nước sông Đồng Nai nếu tiếp diễn theo chiều hướng xấu thì công nghệ xử lý áp dụng tại Nhà máy nước Thủ Đức (TP.HCM) không thể đảm bảo chất lượng và sẽ phải chi một số tiền cực lớn để cải tạo hệ thống xử lý nước.
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án “Bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020” với tổng kinh phí khoảng 2.000 tỉ đồng. Các cấp, các ngành, các tỉnh, thành nằm trong khu vực sông Đồng Nai đã bắt tay vào cuộc nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm này. Tuy nhiên, đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện. Và điều này đã và đang gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ TN&MT cách đây hai năm, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Cũng theo đánh giá tổng hợp của Bộ, hằng năm gần 200.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiễm môi trường nước.
Với nguồn cung ứng nước sinh hoạt cho hàng chục triệu dân ở hai bên lưu vực như sông Đồng Nai thì “tiếng kêu cứu” về nạn ô nhiễm môi trường đã đến mức cấp thiết.
Bên cạnh việc nâng cao tuyên truyền cho người dân và các doanh nghiệp nhận thức được hậu họa xả thải của mình để tuân thủ nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước thì các cơ quan chức năng phải giám sát chặt chẽ các hành động đối xử “vô văn hóa” với dòng sông như xả nước thải, chất thải vào dòng sông. Khi phát hiện sai phạm phải xử lý triệt để. Trong quản lý và quy hoạch đô thị phải chú trọng đặc biệt đến các dự án ven sông; phải buộc khu đô thị ven sông nhất thiết phải có hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra sông. Cùng đó trong chính sách thu hút đầu tư, nhất thiết các tỉnh ở hai lưu vực sông Đồng Nai phải ưu tiên và khuyến khích các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất sạch.
Mặt khác, mức chế tài cho những hành vi phạm cần phải được nâng lên, tương xứng hơn với hậu họa lâu dài mà hành vi đó gây nên chứ không chỉ căn cứ vào hậu quả gây ra trước mắt.
Tất cả phải vì lợi ích lâu dài của hàng chục triệu người dân sống ở lưu vực sông Đồng Nai mà hành xử. Nếu không, cái giá phải trả là khôn lường!