Với công nhân trong các KCN, việc xoay xở để có ngay một khoản tiền lớn nhằm trang trải cuộc sống dường như không còn quá khó khăn. Bởi trên nhiều tuyến đường quanh khu vực họ sinh sống và làm việc luôn xuất hiện hàng loạt tờ rơi giới thiệu các gói tín dụng hấp dẫn với “thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng, lãi suất thấp”… Nếu không muốn vay bên ngoài, công nhân chỉ cần “cắm” thẻ ATM là có thể vay đồng nghiệp cả chục triệu đồng. Thậm chí nhiều người còn cho vay thông qua mối quan hệ quen biết, môi giới mà không cần thế chấp hay tín chấp.
Vay thì dễ nhưng trả có dễ không?
Vay đồng nghiệp: Năm phút có ngay!
Ngại thủ tục rườm rà, nhiều công nhân e ngại khi vay vốn ở các tổ chức tín dụng. Do vậy nhiều người thường tìm đến các đồng nghiệp, các “mối quan hệ” ngoài đời để vay mượn trong những lúc cần kíp.
Vào một ngày cuối tháng 7-2015, PV theo chân công nhân Tr. tìm đến nhà bà Yến (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu). Nhận ra đồng nghiệp làm chung công ty, bà Yến nhanh nhảu: “Lại đến vay tiền hả?”. “Tháng vừa rồi công ty cho tăng ca ít quá nên em thiếu tiền nhà. Chị cho em vay đỡ 1 triệu nhé” - Tr. đề nghị.
“Vay trả lãi hằng tháng hay vay trả lãi lẫn gốc theo kỳ? Trả lãi hằng tháng thì lãi 10%/tháng. Tiền gốc khi nào có thì trả. Nếu trả cả lãi lẫn gốc thì vay 1 triệu trả trong bốn kỳ. Mỗi kỳ đóng 300.000 đồng và trả trong hai tháng” - bà Yến nói.
Tr. quyết định sẽ trả theo kỳ. Vừa nói Tr. vừa rút thẻ ATM, đọc mã PIN và đưa cho bà Yến. Bà Yến ghi mã PIN do Tr. đọc rồi kẹp tờ giấy đó vào thẻ ATM của Tr. và cất đi, lấy tiền đưa cho Tr. “Giao dịch” này chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy năm phút.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết bà Yến đang làm công nhân ở Công ty C. tại huyện Vĩnh Cửu. Bà Yến đã làm công nhân được khoảng bảy năm và cũng chừng ấy thời gian bà cho công nhân vay nóng lấy lời. Người nào muốn vay tiền thì cứ tìm bà Yến ở chỗ làm hoặc đến nhà riêng của bà. Trước khi nhận tiền, người vay phải đưa thẻ ATM, mã PIN. Định kỳ đến ngày trả lương (Công ty C. trả hai kỳ lương/tháng), bà Yến cầm thẻ ATM của người vay đi rút tiền, lấy đúng số tiền công nhân phải trả và đưa lại cho họ phần tiền còn thừa.
Những tờ rơi, quảng cáo đầy rẫy gần các khu công nghiệp, nơi công nhân “quảng cáo” lãi suất thấp nhưng thực tế thì khác. Ảnh: TIẾN DŨNG
Chỉ cần người bảo lãnh
Qua thời gian tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy việc cho vay mà phải thế chấp thẻ ATM chỉ là dạng cho vay “cò” con. Thực tế, nhiều đường dây tín dụng đen “cài cắm” vào các công ty hoặc đặt “vệ tinh” gần các khu công nghiệp để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay của công nhân. Dịch vụ cho vay này không cần thế chấp bất cứ giấy tờ gì. Chỉ cần có người quen bảo lãnh, công nhân muốn vay bao nhiêu cũng được.
Theo lời giới thiệu của chị V., chúng tôi tìm đến Công ty B. (Khu công nghiệp Long Bình, phường Long Bình, Biên Hòa) xin việc. Khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn vay tiền để trả nợ thua cá độ bóng đá, nhiều đồng nghiệp mới lập tức giới thiệu: “Chú cứ tìm đến Lan đang sống tại phường Tam Hiệp, Biên Hòa. Các công nhân cũ muốn vay bao nhiêu cũng được, cứ đến kỳ lương trả lãi, còn tiền gốc khi nào có thì trả. Còn chú là công nhân mới, muốn vay phải có người quen bảo lãnh”.
Chị V. cũng chính là một nạn nhân của Lan kể: “Cuối năm 2014, tôi cần một số tiền và được người quen dẫn đến gặp Lan. Tôi nói cần vay 20 triệu đồng thì Lan mở cốp xe đưa tiền ngay mà không chút phân vân trong khi tôi và Lan không hề quen biết nhau. Lan cũng không yêu cầu thế chấp, cũng chẳng buồn viết giấy tờ nhưng nói lãi suất 12%/tháng, tức tiền lãi hằng tháng là 2,4 triệu đồng. Tiền gốc khi nào trả cũng được”.
Tuy nhiên, như nhiều con nợ khác, chị V. đóng tiền lời đến tháng thứ ba thì… hụt hơi. Lúc này, Lan liên tục điện thoại chửi bới và dọa cho đàn em đến xử. Sợ quá, chị V. phải nhờ người thân ở quê cho mượn tiền trả nợ gấp mới được yên thân. “Trong cốp xe máy của Lan lúc nào cũng có nhiều tiền và hơn chục cuốn sổ ghi nợ. Có lần tôi đến nhà Lan trả lãi thì gặp nhiều người khác cũng trong tình cảnh tương tự. Được cho vay với thủ tục đơn giản, tôi mang ơn. Nhưng mức lãi suất quá cao đã khiến nhiều người không có khả năng chi trả. Khi đó, lãi mẹ đẻ lãi con và nhiều con nợ phải cầm cố đồ đạc, bán xe để trả nợ” - chị V. thở dài.
Vay công ty cũng dính bẫy lãi suất cao Đầu tháng 8, chị Lê Thị P. là công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung 2 (quận Thủ Đức, TP.HCM) nhận được tờ rơi quảng cáo: Cho vay lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, không cần thế chấp, bảo lãnh và lãi suất tối đa chỉ 1,3%/tháng. Đang cần tiền mua xe máy mà không có tài sản thế chấp nên vợ chồng chị P. mừng như bắt được vàng. Chị P. gọi đến số điện thoại 0968214… in trên tờ rơi thì gặp một phụ nữ xưng tên Thảo, nhân viên tư vấn của công ty tài chính thuộc Ngân hàng T. Chi nhánh TP.HCM. Thảo khẳng định thủ tục vay đơn giản nhưng lãi suất là 1,6%-1,9%/tháng. Theo lời tư vấn, vợ chồng chị P. làm đơn đề nghị vay. Trong đơn, phần lãi suất để trống nhưng nhân viên Thảo vẫn tái khẳng định lãi suất chỉ 1,6%-1,9%/tháng. Hai người quyết định vay 31,6 triệu đồng (theo mức tối đa phía công ty tài chính thông báo) trong vòng 24 tháng. Tuy vậy, đến khi hai người được báo ra nhận tiền vay thì tá hỏa khi thấy trên hợp đồng ghi mức lãi suất thực tế cao hơn gấp đôi, lên tới gần 4%/tháng. Chị P. gọi đến bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Bức xúc, vợ chồng chị P. đòi trả lại tiền thì phía công ty yêu cầu phải trả tiền lãi (trong vòng 10 ngày), bảo hiểm tiền vay với tổng số tiền gần 4 triệu đồng. “Đã không có tiền còn bị một vố đau, phải chạy vạy kiếm gần 4 triệu đồng đóng “phạt”. Qua câu chuyện này, tôi mong mọi người hãy cảnh giác và chọn những nơi cho vay uy tín, đọc kỹ hồ sơ rồi hãy quyết định” - chị P. nói. Oằn lưng, gồng mình trả lãi Anh Nguyễn Thành Sơn (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) là công nhân Công ty C. Do đang cần tiền đóng học phí cho con và sửa nhà nên anh đã “cắm” thẻ ATM của mình cho một ông trùm trong giới cho vay nặng lãi để vay 80 triệu đồng. Mức lãi suất phải chịu đến 13%/tháng. Tiền lãi quá cao nên tiền lương hằng tháng nhận được anh Sơn vẫn không đủ trả lãi. Cuộc sống anh Sơn ngày càng bế tắc do lãi mẹ đẻ lãi con. Tiền lãi không trả nổi thì dồn vào tiền gốc làm số nợ mỗi lúc một tăng. Tương tự, chị Nguyễn Thị Cúc (xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, công nhân vệ sinh trong Công ty C.) cũng vì cuộc sống thiếu thốn nên khi nghe bạn bè giới thiệu “ông trùm” Lê Hoán chuyên cho vay thì chị Cúc như “chết đuối vớ được cọc”. Chị Cúc đã vay hai lần, tổng số tiền 10 triệu đồng và lãi suất 15%-16%/tháng. Hằng tháng chị Cúc phải trả góp 1,3 triệu đồng. Với đồng lương ít ỏi, sau khi trừ các chi phí như chợ búa, con cái, nhà trọ… cộng thêm khoản tiền nợ Hoán thì chị Cúc chẳng còn đồng nào. Còn chị Lê Thị Ngang (45 tuổi, công nhân Công ty N.) đã vay Hoán 6 triệu đồng với lãi suất 15%/tháng. Sau đó, chị Ngang lại tiếp tục vay thêm 1 triệu đồng, lãi suất 16%, hình thức trả góp tiền gốc và lãi hai tháng bốn kỳ. Hiện hằng tháng chị Ngang cũng đang phải gồng lưng trả lãi. |
___________________________________________
Bài 3: Trắng tay vì tín dụng đen
Tiền lãi tín dụng đen quá sức chịu đựng, nhiều công nhân đã bán xe, cầm cố đồ đạc trả nợ và bỏ trốn, có người mất cả nhà cửa, gia đình tan nát...